Đúng vào dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hai người trẻ Trần Thành và Lữ Mai cùng các cộng sự đã và đang thực hiện một công việc văn hóa - nghệ thuật giàu tình cảm và tràn đầy sức trẻ.
Mai vàng tặng mẹ Tết này. Ảnh: TRẦN THÀNH
Từ cộng hưởng
Đi Trường Sa lần đầu, Lữ Mai - nhà thơ, nhà báo, phóng viên theo dõi lĩnh vực văn hóa - văn nghệ của Báo Nhân Dân đã kịp có cho mình nhiều tản văn, ghi chép giàu chất sống, nồng nhiệt và chân thành.
Đã đến với đảo xa nhiều lần và gắn bó với những người lính bằng các công trình rất thiết thực - là máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác C-Sea, công nghệ vi sinh xử lý môi trường..., kỹ sư Trần Thành còn có cho riêng mình nhiều bức ảnh đẹp ghi lại đời sống, công tác của những người lính hải quân và vẻ đẹp hùng vĩ ngoài khơi xa.
Hai chuỗi tác phẩm đó, trong mấy tháng qua, dần được cộng hưởng vào cuốn sách “Nơi đầu sóng” với bìa là tranh của họa sĩ Mạnh Tiến, cũng từng đến với biển đảo, do NXB Văn học vừa ấn hành. Đây sẽ là món quà quý với đảo, với các cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa cũng như với bạn đọc ở đất liền. Và dường như, đó còn là gợi ý hay và khích lệ tâm huyết với các đồng nghiệp văn, làm báo khác trong việc thể hiện tình yêu với biển đảo, thái độ và chính kiến trước tình hình bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước.
Nhiều năm qua, biển đảo Việt Nam vốn đã được kể sâu nặng và tha thiết qua hàng hàng những trang bút ký, ghi chép, qua các sáng tác thơ, truyện của nhiều tác giả kỳ cựu lẫn những người viết trẻ. Lần này, với 21 tản văn, ghi chép của Lữ Mai trong “Nơi đầu sóng”, rất thú vị khi “kể thật” mà “như thơ”, lời “bay lượn” mà chi tiết, tình cảm chân thật đến nao lòng. Có thể cảm nhận từ đây, tiết tấu song hành, kết nối của những hình dung quê nhà - đảo xa; từng đảo Trường Sa - những đường làng mạc, phố xá; những người lính - người thân, cảnh vật, nhịp sống biển đảo - mùa màng bản quán; khoảnh khắc trên tàu, trên đảo - khoảnh khắc đời riêng mình… Những thân thiết ấy sống động bên nhau, chuyển giao, hòa lẫn. Để xa về gần, riêng mà chung, đón nhận và một phần chia sẻ với người lính được vun thành tái tạo. Những tái tạo bằng trang văn vừa chân thực vừa bay bổng về dáng đứng canh đảo, giữ nước. Thật lắm, gần lắm, dung dị lắm, như một tiếng gọi, một đóa hoa ốc, một chiếc mũ được người lính đội lên đầu dưới trời chớm mưa…, mà vẫn lung linh, phảng phất mầu huyền ảo của hoàng hôn chân trời, của những người đang sống trong mối dây cùng người đang xa xôi, đã khuất lấp. Đời sống giữa biển khơi nhiều bão tố và ân tình ấy hiện vào con chữ nhiệt thành của một người viết tin vào những chặng đường dấn thân. Từ đó kể lại bao nhiêu câu chuyện về những điều chưa biết hết. Những điều nghe để thấy thân thương. Lữ Mai đã nói được sự chân tình của mình qua những trang viết trong một thời gian ngắn, sau chuyến đi nhiều ấn tượng.
Sẽ nối những vòng tay
Văn của Lữ Mai, được điểm xen kẽ ảnh mầu rực rỡ của Trần Thành, mang không khí biển đảo khoáng đạt, nhọc nhằn và kiên cường, thành những câu chuyện của hình và ý rất thân mến. Cuốn sách nhỏ xinh nhưng phóng khoáng này đang được nhiều bạn đọc đón chờ. Và chính trong quá trình làm sách, hai tác giả lại mở ra những ý tưởng mới, đã được lên chương trình. Đó là, cuốn sách sẽ ra mắt đồng thời trong lễ khai mạc triển lãm ảnh “Nơi đầu sóng”, lúc 15 giờ ngày 30-8 tại Trung tâm triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. 80 hình ảnh mới và chân thực về các hoạt động, công tác của các lực lượng canh giữ, bảo vệ quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và biển Việt Nam… sẽ được giới thiệu rộng rãi, cùng với một số hiện vật từ đảo xa, từ nhà giàn.
Nhà thơ Lữ Mai cho biết, hai tác giả cùng các đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện này, là CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, NXB Văn học, cùng mong hiệu ứng được lan tỏa đến mọi người. Vì thế tại triển lãm sẽ phát động chương trình Tết Trung thu “Bố ở đảo xa - Con ở nhà có bạn” năm 2019, với các nội dung: kết nối quà tặng các cháu là con em cán bộ chiến sĩ đang công tác trên biển đảo, trao quà vào dịp Trung thu cho thiếu nhi tại Quân chủng Hải quân, Hải Phòng. Các tác phẩm sách và ảnh triển lãm sẽ được phát hành để phục vụ cho công việc này. Đồng thời, một lượng sách cũng sẽ được chuyển tặng các đảo trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn như một lời tri ân, chia sẻ.
Náo nức trước ngày triển lãm, dường như nhiều ý tưởng mới nữa đã chực chờ hiện ra. Và đó là dấu hiệu tốt cho sự cộng hưởng của những người trẻ để hiện thực hóa tình yêu biển đảo, chiến sĩ bằng những việc làm có ích, có khả năng kết nối. Thực tế là CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương do kỹ sư Trần Thành là chủ nhiệm, từ khi thành lập năm 2015 đến nay đã thực hiện nhiều công việc ý nghĩa. Bản thân Trần Thành, qua tám lần đến Trường Sa, vẫn tiếp tục nuôi những ý định mới, mong muốn giúp tốt hơn cho cuộc sống quân, dân ngoài đảo xa, nơi nhà giàn DK1. Tiếp nối cuốn sách “Nơi đầu sóng” dịp này, anh chia sẻ, có thể sẽ có thêm những bộ bưu thiếp với ảnh của anh và thơ của Lữ Mai, hay một bộ sách ảnh của riêng anh về Trường Sa.
Và xa hơn, một tủ sách “Biển đảo quê hương”, một địa chỉ văn hóa mà Lữ Mai tin rằng nhiều tác giả khác cùng muốn làm. Mong muốn đó sẽ dẫn mọi người đến gặp nhau để góp sức thành gió mát gửi đến nơi đầu sóng.
Theo nhandan.com.vn