Cập nhật: 13/09/2019 16:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năng lực tác chiến được cải thiện của các tàu tuần duyên Mỹ với sự hỗ trợ của tên lửa tối tân tại khu vực Thái Bình Dương có thể khiến Trung Quốc phải dè chừng.

Tàu USS Montgomery tham gia tập trận ASEAN - Mỹ hồi tháng 8 (Ảnh: AFP)

Các tàu chiến tuần duyên (LCS) của Hải quân Mỹ đã trở lại với sức mạnh được cải thiện hơn sau quá trình nâng cấp. Các nhà phân tích quân sự cho rằng, sau khi được trang bị tên lửa dẫn đường chính xác với khả năng tránh radar đối phương, các tàu chiến này có thể tăng cường sức mạnh cho các lực lượng quân sự do Mỹ triển khai tại châu Á, trong bối cảnh Hải quân Trung Quốc ngày càng phát triển nhanh chóng về công nghệ.

Chương trình nâng cấp LCS của Mỹ đã trở thành chủ đề gây chú ý khi USS Gabrielle Giffords, tàu chiến tuần duyên thứ 9, lên đường từ San Diego tới Singapore trong đợt triển khai luân phiên tại Tây Thái Bình Dương, cùng một tàu chiến tuần duyên khác là USS Montgomery.

Đây là lần đầu tiên 2 tàu chiến tuần duyên được triển khai đồng thời tại Singapore, nơi Mỹ đặt một căn cứ hậu cần và tiếp nhiên liệu quan trọng, kể từ khi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama thông báo hồi năm 2012 rằng, Mỹ sẽ triển khai tới 4 tàu chiến tuần duyên ở khu vực này trong chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Washington.

Với kích cỡ nhỏ hơn và nhanh hơn tàu khu trục, tàu chiến tuần duyên của Mỹ được xem là tàu hải quân lý tưởng để triển khai tại các vùng biển đông đúc và đang bị tranh chấp tại châu Á.

Sau thông báo của chính quyền Obama năm 2012, chương trình phát triển các tàu chiến tuần duyên gặp phải nhiều vấn đề, từ đội giá, thiết kế, huấn luyện cho tới những nghi ngờ về khả năng sống sót của tàu chiến này trong các cuộc tác chiến. Một trong những vấn đề này có liên quan tới khả năng hoạt động linh hoạt của tàu chiến tuần duyên khi chúng được triển khai để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ săn ngư lôi cho tới tác chiến trên biển.

Những vấn đề trên dẫn tới việc Hải quân Mỹ giảm số lượng tàu chiến tuần duyên mà lực lượng này định phát triển từ 55 xuống còn 38 tàu. Từ năm 2013 - 2016, chỉ có 3 đợt triển khai tàu chiến tuần duyên riêng lẻ của Mỹ tới Singapore. Hải quân Mỹ cũng tạm dừng triển khai các tàu chiến này ra nước ngoài trong suốt 19 tháng, cho tới khi tàu USS Montgomery tới Singapore vào tháng 7 năm nay. Tàu USS Montgomery cũng tham gia cuộc tập trận hàng hải đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN hồi tháng 8.

Thông điệp gửi Trung Quốc

Tên lửa NSM bắn thử lần đầu trên tàu LCS 4 năm 2014. (Ảnh: US Navy)

Eric Sayers, cựu cố vấn của chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nhận định sau quá trình trì hoãn kéo dài như vậy, “bất kỳ kế hoạch triển khai nào (của tàu chiến tuần duyên Mỹ) cũng là một bước tiến”.

“Việc có tới 2 tàu chiến tại Singapore và cuối cùng sẽ lên tới 4 tàu hoặc nhiều hơn thế sẽ giúp (Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ) nâng cao vị thế tại Đông Nam Á, đồng thời tiến hành thêm các cuộc tập trận song phương và đa phương với các lực lượng hải quân trong khu vực”, ông Sayers, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nói.

Theo Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, có thể sẽ có thêm nhiều tàu chiến tuần duyên được Mỹ triển khai tới khu vực Tây Thái Bình Dương như cam kết trước đây. Mặc dù Hải quân Mỹ thừa nhận các tàu chiến tuần duyên vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết, song các tàu này đã được nâng cấp lên mức độ nhất định.

Giới phân tích cho rằng, mặc dù việc triển khai hai tàu chiến tuần duyên cùng một lúc là một động thái đáng chú ý của Hải quân Mỹ, song điều quan trọng hơn cả là tàu USS Gabrielle Gifford là tàu tác chiến tuần duyên đầu tiên được triển khai ra nước ngoài mà có trang bị tên lửa tấn công hải quân (NSM).

Hải quân Mỹ dự kiến sẽ trang bị hệ thống tên lửa NSM lên toàn bộ tàu chiến tuần duyên. Với khả năng “tàng hình” trước radar, tên lửa NSM đủ khả năng tấn công chính xác mục tiêu trên tàu chiến của đối phương, nhất là khi chúng được kết hợp với trực thăng không người lái.

Trong suốt nhiều năm, các chuyên gia quốc phòng vẫn than phiền về việc tàu chiến tuần duyên Mỹ không được trang bị đủ mạnh để đối phó với các hệ thống vũ khí chống hạm tối tân của hải quân Trung Quốc.

“Câu chuyện thực sự ở đây là Hải quân Mỹ rốt cuộc cũng nhận thức một cách nghiêm túc về việc tác chiến trên biển sau hai thập niên chứng kiến sự đầu tư của Hải quân Trung Quốc. Trung Quốc đã triển khai hàng loạt vũ khí chống hạm trên toàn bộ hạm đội của nước này, khiến các đô đốc và sĩ quan tình báo ở Thái Bình Dương mất ăn mất ngủ”, chuyên gia Sayers cho biết.

Theo nhà nghiên cứu Collin Koh, các tàu chiến tuần duyên trước đây của Mỹ chỉ được trang bị tên lửa Block-1C Harpoon với tầm bắn 140 km. Điều này khiến tàu chiến Mỹ hoàn toàn lép vế trước các tàu chiến Trung Quốc được trang bị tên lửa với tầm bắn từ 180 - 190 km.

“Tên lửa tác chiến hải quân NSM có tầm bắn 185 km, khiến chúng trở nên tương xứng hơn (với tên lửa Trung Quốc). Nhưng không chỉ có tầm bắn, NSM còn là tên lửa hiện đại hơn Harpoon, đặc biệt về cảm biến mục tiêu và khả năng linh hoạt, và điều này đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với năng lực phòng vệ trên tàu ngày càng mạnh của các tàu chiến hải quân Trung Quốc”, chuyên gia Koh nhận định.

Theo Thành Đạt/dantri.com.vn

Tệp đính kèm