Việc Mỹ trục xuất hai thành viên của Phái bộ thường trực Cuba tại Liên Hợp Quốc khiến căng thẳng ngoại giao giữa hai nước leo thang.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19/9 cho biết vừa trục xuất hai thành viên của Phái bộ thường trực Cuba tại Liên Hợp Quốc với cáo buộc có các “hoạt động ảnh hưởng” chống lại Mỹ. Ngay lập tức Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã lên tiếng phản đối đồng thời cáo buộc Mỹ kích động leo thang căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez. Ảnh: Washington Post
Trong tuyên bố đưa ra trên mạng Twitter, Ngoại trưởng Cuba Rodriguez nêu rõ, việc trục xuất hai nhà ngoại giao của phái bộ Cuba tại Liên Hợp Quốc và gia tăng hạn chế đi lại với các thành viên còn lại là nhằm kích động leo thang ngoại giao, dẫn tới việc đóng cửa các Đại sứ quán song phương, thắt chặt hơn nữa lệnh cấm vận và tạo thêm căng thẳng giữa hai nước.
Trong một tuyên bố khác ngay sau đó, nhà ngoại giao Cuba bày tỏ nước này kiên quyết bác bỏ việc trục xuất phi lý hai quan chức của phái bộ Cuba tại Liên Hợp Quốc cũng như sự hạn chế đi lại đối với các thành viên còn lại và người thân của họ.
Ông Rodriguez nhấn mạnh: “Việc Mỹ cáo buộc các nhân viên ngoại giao của Cuba thực hiện các hành động không tương thích với vị thế của một nhà ngoại giao là sự vu khống. Điều này cũng thể hiện thái độ thù địch và vô trách nhiệm của Mỹ nhằm thắt chặt phong tỏa ngoại giao và kinh tế Cuba. Đây là động thái chống lại thế giới”.
Phản ứng này đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus thông báo, nước này đã yêu cầu 2 thành viên thuộc phái bộ Cuba tại Liên Hợp Quốc rời khỏi Mỹ với cáo buộc liên quan đến "các hoạt động gây tổn hại cho an ninh quốc gia Mỹ".
Quyết định được đưa ra khi các lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tháng này. Bà Ortagus cho biết, hoạt động của các thành viên khác trong phái đoàn Cuba sẽ bị giới hạn ở thành phố Manhatan, nơi đặt trụ sở Liên Hợp Quốc.
Bà Ortagus cũng cho biết thêm, Mỹ nghiêm túc ngăn chặn mọi nỗ lực chống lại an ninh quốc gia Mỹ và sẽ tiếp tục điều tra bất kỳ nhân viên nào định thao túng đặc quyền cư trú của họ.
Theo thỏa thuận được thông qua năm 1947, Mỹ có trách nhiệm cho phép các nhà ngoại giao nước ngoài đến làm việc tại trụ sở Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định, có quyền từ chối thị thực cho các nhà ngoại giao vì lý do an ninh và chính sách đối ngoại của chính phủ, dù điều khoản này được thực hiện rất hạn chế.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Cuba kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức tháng 1/2017. Chính quyền Tổng thống Donald Trump trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba vào tháng 9/2017 sau khi rút nhiều nhân viên đại sứ quán Mỹ ở La Habana về nước do "vấn đề bí ẩn"gây ảnh hưởng đến nhân viên Mỹ.
Ngoài ra, ông Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Cuba, trong đó gần đây nhất là các biện pháp hạn chế gây tác động mạnh tới ngành du lịch - nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai của Cuba và áp dụng hoàn toàn điều 3 của Luật Helms-Burton gây tranh cãi chống Cuba. Mỹ nói rằng mục tiêu chính của chiến dịch gây áp lực là buộc Cuba từ bỏ ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, điều mà Cuba tuyên bố "sẽ không bao giờ làm"./.
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV.VN