TP Hồ Chí Minh đang triển khai đa dạng các loại hình du lịch để phấn đấu đến năm 2030 thuộc nhóm địa phương có ngành du lịch phát triển hàng đầu Đông - Nam Á. Trong đó, thành phố chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp tạo thêm sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn thu hút du khách đến với thành phố.
Khách tham quan mô hình trình diễn nông nghiệp công nghệ cao tại Công viên phần mềm Quang Trung.
Cùng với xu thế “đổi mới, đa dạng và độc đáo” các sản phẩm du lịch nói chung, sản phẩm du lịch nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) nói riêng cũng đang định hình là những sản phẩm đặc thù tham gia vào hoạt động du lịch. Đây được xem là loại hình du lịch còn nhiều tiềm năng khai thác ở thành phố và đang góp phần thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, tăng doanh thu, lợi nhuận cho ngành du lịch. Đồng thời, du lịch nông nghiệp còn là giải pháp để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng nông thôn và đô thị, kéo giãn khách du lịch vốn thường tập trung ở trung tâm thành phố, tạo sự phát triển bền vững cho ngành du lịch.
Theo thống kê của Sở Du lịch thành phố, du khách đến với thành phố không chỉ tham quan những công trình kiến trúc hoặc tìm hiểu về giá trị văn hóa lịch sử mà còn muốn trải nghiệm, tận tay tham gia vào những hoạt động gắn với đời sống nông nghiệp, nông thôn. Trong những năm gần đây, thành phố đã đón hơn 100 nghìn lượt khách đến với sản phẩm du lịch NNCNC như: chương trình một ngày làm nông dân, chương trình trồng và thu hoạch rau nấm, trồng và chăm sóc lan, thu hoạch nấm, làm bánh tráng, một ngày làm diêm dân... Ông Huỳnh Văn Thành, Giám đốc Trung tâm khai thác hạ tầng, Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tại Khu NNCNC, các hoạt động tham quan và tham gia, trải nghiệm NNCNC dành cho du khách, các đối tượng sinh viên, học sinh vẫn được duy trì với số lượng tăng dần qua từng năm. Từ năm 2014 đến nay, Khu NNCNC đón hơn 70 nghìn khách tham quan, nghiên cứu, học tập, trải nghiệm. Riêng năm 2018, lượng khách tham quan đạt gần 20 nghìn người, tăng 30% so với năm 2017".
Hiện, thành phố có 66 nghìn ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu được phân bố tại năm huyện ngoại thành là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Với lợi thế là trung tâm kinh tế, nơi có tiềm lực khoa học - công nghệ phát triển mạnh, thành phố xác định sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái, dịch vụ. Hoa, cây kiểng, các mô hình NNCNC… là một trong những sản phẩm chủ lực của nông nghiệp thành phố. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để ngành du lịch thành phố xây dựng, phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp thu hút du khách tham quan. Tuy nhiên, phát triển sản phẩm du lịch trong thời gian qua tại thành phố chỉ là tự phát của các đơn vị và các nhà vườn cho nên chưa tạo ra sự hấp dẫn cho khách du lịch. Ông Huỳnh Văn Thành thẳng thắn nhìn nhận: Theo đánh giá của khách du lịch về thực trạng hoạt động tham quan tại Khu NNCNC và các vùng nông thôn thành phố cho thấy, du lịch nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa hoàn thiện, chưa phong phú, đa dạng; cơ sở vật chất chưa bảo đảm phục vụ và chưa tương thích với tính chất hoạt động tham quan, du lịch. Ngoài ra, công tác tổ chức, quản lý và đội ngũ hướng dẫn viên chưa chuyên nghiệp, nhất là hoạt động kết nối, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được quan tâm thực hiện, chưa có sự chủ động trong hoạt động tổ chức du lịch nông nghiệp. Để duy trì và phát triển khách du lịch đến với vùng nông nghiệp của thành phố, nhất thiết phải có những sản phẩm đặc thù, xây dựng sản phẩm NNCNC. Trước mắt, đưa vào phục vụ ba tua du lịch, đó là: tua tham quan Khu NNCNC - Địa đạo Củ Chi; tua tham quan, giáo dục hướng nghiệp Khu NNCNC - Nông trại Hoa Lúa; chương trình trải nghiệm nông nghiệp 4.0 dành cho học sinh phổ thông.
Theo các chuyên gia, với thực trạng hiện tại, các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn tại thành phố còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận để phát triển du lịch, chưa hình thành nhiều sản phẩm đa dạng để thu hút du khách. Vì vậy, muốn phát triển bền vững loại hình du lịch này, thành phố cần đưa ra khung pháp lý và quy hoạch thu hút đầu tư; chiến lược phát triển nông nghiệp cũng cần định hướng rõ nét gắn với nội dung phát triển du lịch nông nghiệp. Qua đó, để có sự nhìn nhận đúng đắn, đầy đủ và có sự đầu tư thích đáng hỗ trợ nông dân, trước hết là hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các biện pháp bảo vệ môi trường nông thôn.
Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản chỉ đạo ngành du lịch, các sở, ngành liên quan và năm huyện ngoại thành thực hiện các giải pháp để phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp, tạo thêm sản phẩm, dịch vụ du lịch cho thành phố. Theo đó, năm huyện ngoại thành là Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách. Thành phố cũng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường kết nối với các công ty lữ hành. Các sở, ngành liên quan sẽ hỗ trợ năm huyện phát triển các làng văn hóa du lịch đặc trưng của từng huyện để tạo nên điểm đến hấp dẫn và giới thiệu bản sắc văn hóa gắn với đặc trưng của từng địa phương; xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ hộ dân làm du lịch ở nông thôn được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển du lịch.
KHÁNH TRÌNH
Theo nhandan.com.vn