Cập nhật: 09/10/2019 11:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc Philippines mời các công ty Nga hợp tác dầu khí ở Biển Đông được cho là tính toán khôn ngoan của Duterte nhưng còn nhiều yếu tố phải cân nhắc.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã kêu gọi “đại gia” dầu mỏ Nga Rosneft cân nhắc việc ký kết thỏa thuận hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Động thái được đánh giá có thể làm phức tạp thêm tình hình ở một trong những tuyến đường giao thương hàng hải sầm uất và giàu tài nguyên bậc nhất thế giới.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp. Ảnh: Reuters.

Lời mời gọi của Tổng thống Duterte được đưa ra nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo này đến Nga hồi tuần trước. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Duterte đã có cuộc gặp với các lãnh đạo của Rosneft, bao gồm cả Giám đốc điều hành Igor Sechin để thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác dầu khí giữa các doanh nghiệp Philippines và Rosneft.

Trong lời mời gọi hấp dẫn đưa ra với lãnh đạo Rosneft, ông Duterte cam kết các khoản đầu tư đổ vào Philippines sẽ an toàn và chính quyền của ông không bao giờ dung thứ cho tham nhũng, phát ngôn viên đồng thời là cố vấn pháp lý của Tổng thống Philippines Salvador S. Panelo cho biết hôm 3/10.

Trước cuộc gặp của ông Duterte với các lãnh đạo của Rosneft, Đại sứ Philippines tại Nga Carlos Soreta nói rằng, các công ty năng lượng của Nga rất quan tâm đến hoạt động khai thác dầu khí ở Philippines và bất kỳ thỏa thuận nào với Nga (nếu có) đều sẽ không làm tổn hại đến các quyền của Manila trong khu vực.

“Họ đã sẵn sàng hợp tác theo luật của chúng tôi. Họ [Nga – ND] không phải là một bên có yêu sách ở Biển Đông. Nếu họ tham gia, đó thực sự là việc công nhận đầy đủ các quyền chủ quyền và quyền khai thác của cúng tôi”, trang Rappler dẫn lời ông Soreta.

Trong một bài bình luận đăng tải trên trang Forbes, Tiến sĩ Namrata Goswami, chuyên gia phân tích kỳ cựu cho rằng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như đã tìm ra "chiến lược Biển Đông" của mình. Đó là tìm cách tận dụng Nga chống lại Trung Quốc, đồng thời tận dụng cả Nga và Trung Quốc chống lại Mỹ; và tranh thủ đạt được một số thỏa thuận thương mại trong tiến trình này.

Chính sách tỏ ra hòa dịu với Trung Quốc và "ve vãn" Nga của ông Duterte được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc triển khai các tàu hải cảnh ra Biển Đông để nỗ lực thể hiện sức mạnh cơ bắp của mình trước các đối thủ.

Nga vẫn chỉ hợp tác cầm chừng ở Biển Đông

Nhận định về tình hình Biển Đông, Artyom Lukin, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Khu vực và Quốc tế tại Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga ở Vladivostok, nói rằng dường như Nga không có ý định mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông - nơi mà Moscow đã khẳng định sẽ giữ một vị trí trung lập trong các tranh chấp.

Cho đến nay, các quan chức Nga cũng như lãnh đạo của Rosneft và Gazprom – hai công ty năng lượng hàng đầu của Nga đang có các dự án dầu khí ở Biển Đông vẫn rất kín tiếng về hoạt động của họ.

“Nga có một số lợi ích ở Biển Đông mà họ sẽ cố gắng bảo vệ, ngay cả khi điều đó gây ra sự khó chịu cho Trung Quốc”, ông Lukin nói nhưng vẫn bày tỏ nghi ngờ liệu Moscow có muốn mạo hiểm mối quan hệ với Bắc Kinh hay không.

Ông Lukin nói thêm: “Mặc dù không thể phủ nhận vấn đề nêu trên là một trong những điểm chưa thuận giữa Bắc Kinh và Moscow nhưng hoạt động của các công ty Nga ở Biển Đông khó có thể làm mất sự ổn định trong mối quan hệ chiến lược quan trọng giữa Trung Quốc và Nga. Hai nước vẫn cần nhau trong các vấn đề lớn hơn”.

Aaron Rabena, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Con đường tiến bộ châu Á-Thái Bình Dương - một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Manila, nói rằng còn quá sớm để có thể có cái nhìn toàn diện về ý định thực sự của ông Duterte trong việc mời gọi các công ty Nga đầu tư vào khai thác dầu khí với Philippines, đặc biệt là khi Manila và Bắc Kinh cũng đã có thỏa thuận khai thác dầu khí chung khi ông Duterte có chuyến thăm tới Bắc Kinh hồi tháng 8 năm nay.

“Vẫn cần phải xem xét về khía cạnh địa chính trị [trong thỏa thuận khai thác chung giữa Philippines và Trung Quốc] liệu có bao gồm bãi Cỏ Rong [thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – ND] hay không, đặc biệt là một thỏa thuận phát triển chung với Trung Quốc đang được thực hiện – vì có nhiều hợp đồng khác ở Philippines, nơi chính phủ của ông Duterte và Nga có thể hợp tác”, ông Rabena nói.

Nhìn chung, giới quan sát nhận định, khi mà mối quan hệ với Bắc Kinh vẫn còn được đặt ở vị trí cao trong chương trình nghị sự của Tổng thống Vladimir Putin. Trung Quốc chắc chắn vẫn là một phần trong trục chính của chính sách phương Đông mà ông Putin theo đuổi và Nga rõ ràng không muốn làm Trung Quốc thất vọng. 

Theo Hùng Cường/VOV.VN

Tệp đính kèm