Coi công nghiệp hỗ trợ là yếu tố quan trọng, động lực để phát triển các ngành công nghiệp chủ lực và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tập trung chủ yếu vào 5 nhóm ngành chính: Công nghiệp cơ khí; công nghiệp ô tô, xe máy; công nghiệp điện tử - tin học; công nghiệp dệt may, giày dép và công nghiệp vật liệu xây dựng. Công nghiệp hỗ trợ phát triển tạo động lực, sức bật thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: Cơ khí chế tạo; lắp ráp ôtô, xe máy bứt phá và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng giá trị xuất khẩu, nâng cao tỷ trọng nội địa hóa. Đồng thời, qua đó, hình thành mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia.
Để tạo môi trường và hành lang pháp lý thuận lợi cho CNHT, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi như: Tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thẩm định dự án, cấp phép đầu tư; thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức pháp luật, các cơ chế, chính sách, trợ giúp pháp lý; hướng dẫn và thực hiện tốt chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế; tạo nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại. Với những giải pháp đồng bộ, tin rằng, đây là điều kiện thuận lợi để CNHT bứt phá, có những bước phát triển nhanh, mạnh, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp của tỉnh.
Đặng Thưởng