Cập nhật: 18/10/2019 10:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tiến về miền Bắc Syria được cho là “nước cờ cuối” để chính quyền Assad giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ đã tuột khỏi tầm tay kể từ năm 2012.

Hơn 8 năm nội chiến, hàng trăm nghìn người thiệt mạng, một nửa dân số Syria mất nhà ở, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo điều kiện để chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad lấy lại quyền kiểm soát đối với gần 1/3 đất nước đã bị tuột khỏi tầm tay kể từ năm 2012.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Daily Beast

Mỹ nhường sân cho Nga và chính quyền Syria

Ngày 15/10 là chuyến rút quân cuối cùng của Mỹ khỏi khu vực miền Bắc, mở đường cho lực lượng Nga và chính phủ Syria tiến vào một cách tự do và không hề gặp trở ngại.

Hơn nữa, ở Ain Aissa và Tal Tamr, các thị trấn nằm dọc tuyến cao tốc M4 - tuyến giao thông vận tải huyết mạch ở miền Bắc Syria, lực lượng Nga và chính phủ Syria đã thiết lập các căn cứ và chốt kiểm tra để đảm bảo kiểm soát tuyến đường chiến lược này khi đối mặt với các cuộc tấn công sắp tới ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự “tiếp viện” này có vẻ như đã giúp Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu giành lại được 3 ngôi làng từ các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở vùng lân cận Tal Tamr ngay trong đêm 15/10.

Trong khi sự tiến quân của lực lượng chính phủ về miền Bắc Syria chắc chắn cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho SDF trên nhiều mặt trận, thì điều đó cũng đi kèm với một cái giá. SDF chắc chắn sẽ mất đi đòn bẩy trong tương lai mà họ sẽ cần để bảo vệ vai trò của mình trong các thể chế cầm quyền dân sự khắp khu vực đông bắc Syria.

Ngày 14/10, nhánh dân sự của SDF là Hội đồng Dân chủ Syria đã ban hành chỉ dẫn cho các hội đồng địa phương trong khu vực tiếp tục các nghĩa vụ của họ “như trước đây”, khẳng định “không có gì thay đổi” và rằng, thỏa thuận với chính quyền Damascus không có gì hơn một liên minh quân sự tạm thời nhằm bảo vệ các đường biên giới Syria.

Vai trò trung gian của Nga

Tuy nhiên, có vẻ như SDF, cùng Hội đồng Dân chủ Syria sẽ khó bảo vệ được sự độc lập nhỏ bé của mình khi phải phụ thuộc vào chính quyền Assad để trở nên mạnh mẽ hơn. Và sau sự thất bại trong đàm phán Nga-Thổ ngày 15/10 về một lệnh ngừng bắn giữa các bên tham chiến, sự phụ thuộc này có vẻ sẽ còn gia tăng.

Một nguồn tin cấp cao từ lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA) ở Manbij nói với Daily Beast rằng Thổ Nhĩ Kỳ sáng 15/10 đã ra lệnh cho lực lượng ủy nhiệm FSA tạm thời dừng các cuộc tấn công trong khi cả 2 phía nỗ lực đạt được một giải pháp.

Trong khoảng thời gian đó, các cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ đã diễn ta ở Manbij khi quân đội Syria gửi một số xe tăng bọc thép tới thành phố này. Theo nguồn tin tại đây, đứng đầu một số cuộc tuần hành này là các thành phần ủng hộ chính phủ trước đây bị SDF bắt giữ nhưng đã được thả sau khi Nga và chính quyền Syria tiến vào thành phố.

Cuộc đối thoại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra 1 ngày sau khi trang Facebook chính thức căn cứ của lực lượng Nga tại Syria cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh “không cư xử một cách liều lĩnh để rồi đi đến một cuộc chiến tranh mở với lực lượng chính phủ [Syria]”.

Cảnh báo được phát đi ngay sau khi Nga được cho là hoàn tất thỏa thuận với SDF để cho phép lực lượng Nga và chính quyền Damascus tiến vào thành phố Kobani và Manbij.

Tuy nhiên, phát biểu với Reuters khi trở về từ thủ đô Baku của Azerbaijan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có vẻ không nao núng trước lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Ankara, sự tiến quân vào khu vực của lực lượng chính phủ Syria hay những chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

“Họ nói ‘hãy tuyên bố một lệnh ngừng bắn’. Chúng tôi sẽ không bao giờ tuyên bố lệnh ngừng bắn”, ông Erdogan nói. “Họ đang thuyết phục chúng tôi chấm dứt chiến dịch. Họ tuyên bố trừng phạt. Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng. Chúng tôi không lo ngại bất cứ lệnh trừng phạt nào”.

Những biện pháp trừng phạt mới đây của Mỹ nhằm Thổ Nhĩ Kỳ dường như chưa đủ sức khiến Tổng thống Erdogan phải chấm dứt chiến dịch ở miền Bắc Syria nhưng nó sẽ khiến Ankara gặp nhiều khó khăn hơn khi phải kéo dài chiến dịch nhằm đạt được mục tiêu thiếp lập vùng an toàn dọc biên giới để hồi hương người tị nạn Syria đang là hánh nặng cho nền kinh tế nước này.

Nước cờ cuối để chính quyền Assad kiểm soát miền Bắc

Sự chậm trễ trong việc hoàn thành mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng nghĩa với việc sẽ mở rộng cửa hơn cho chính quyền Syria huy động và triển khai lực lượng của mình khắp khu vực, trong khi vẫn có thể khai thác mối đe dọa đối với SDF từ Ankara để dần dần kiểm soát quyền lực ở đông bắc Syria.

Mặt khác, sự mở rộng lực lượng của chính quyền Syria khắp khu vực cũng không phải là viễn cảnh gây phiền lòng cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, nếu họ không kết hợp với SDF và các thành phần vũ trang người Kurd khác.

Khi phát biểu với các phóng viên ở Baku, ông Erdogan nói rằng: “Việc chính quyền Syria tiến vào Manbij không phải là điều bi quan đối với tôi. Vì sao ư? Rốt cuộc thì đó là vùng đất của họ. Nhưng điều quan trọng đối với tôi là việc tổ chức khủng bố sẽ không còn ở đó nữa. Tôi cũng đã nói điều đó với Tổng thống Putin. Nếu ông dọn sạch nhóm khủng bố khỏi Manbij, thì ông hay chính quyền Syria có thể tiến hành mọi hoạt động hậu cần khác. Nhưng nếu ông không làm được điều này, người dân ở đó sẽ kêu gọi tôi cứu họ”. Cụm từ “tổ chức khủng bố” mà ông Erdogan muốn nói là Lực lượng vũ trang người Kurd SDF được Mỹ hậu thuẫn.

Tuyên bố như vậy từ lãnh đạo một nước suốt 8 năm qua luôn ủng hộ các nhóm nổi dậy lật đổ Tổng thổng Assad cho thấy những tính toán của quốc tế xung quanh vấn đề Syria đã thay đổi. Nó cho thấy vô cùng rõ ràng rằng, sau quyết định rút quân của Mỹ khỏi miền Bắc Syria, át chủ bài giờ nằm trong tay chính quyền Assad và đồng minh Nga./.

Theo Hoàng Phạm/VOV.VN

Tệp đính kèm