Khu di tích An toàn khu (ATK) Chợ Đồn nằm trên địa bàn các xã: Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn). ATK Chợ Đồn thuộc quần thể di tích Chiến khu Việt Bắc. Tuy nhiên, hiện nay, các di tích này kém được tôn tạo, khai thác tiềm năng du lịch lịch sử xứng tầm, có nguy cơ bị quên lãng.
Di tích Khuổi Linh, xã Nghĩa Tá ít khách vì giao thông khó khăn.
Thiếu sự quan tâm
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với các huyện Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên); Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), huyện Chợ Đồn đã được chọn làm ATK. Tính tổng thể, trong khu ATK có tới 24 di tích. Trong đó, có sáu di tích lịch sử cấp quốc gia, gồm: Bản Ca, Nà Pậu, Khuổi Linh, Bản Bẳng, Nà Quân, Đồi Khau Mạ; bốn di tích lịch sử cấp tỉnh, gồm: Nà Pay, Phja Tắc, Đồi Khuổi Đăm, Nà Kiến và 16 di tích đã kiểm kê.
Điểm chung của các di tích ATK Chợ Đồn đó là thiếu sự tu bổ, tôn tạo xứng tầm; nhiều di tích chỉ còn nền lán, vị trí. Có những di tích sau tôn tạo thì chưa thật đúng với lịch sử, nhân chứng được biết. Chính vì vậy, dù là “địa chỉ đỏ” nhưng so ATK Định Hóa (Thái Nguyên) hay Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Chợ Đồn vẫn ít được biết tới.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung Hoàng Văn Hỷ, cả xã có tới 12 di tích trong vùng ATK nhưng phần lớn mới chỉ tu bổ, tôn tạo phần nào, di tích cấp quốc gia thì có bia di tích, thêm vài hạng mục. Huyện cũng hướng dẫn thành lập Ban quản lý nhưng xã rất lúng túng trong triển khai. Xã mong muốn di tích sẽ được tôn tạo xứng tầm và phát huy giá trị lịch sử, gắn với du lịch để tạo thêm công ăn việc làm.
Theo Phòng Văn hóa và thông tin huyện Chợ Đồn, nhiều điểm di tích chưa được trùng tu, đầu tư kịp thời; một số di tích đã bị xuống cấp, chưa được đầu tư, tu bổ; các hạng mục công trình về điện thắp sáng, bãi đỗ xe cho khách du lịch, công trình nước, nhà vệ sinh tại các khu di tích chưa được đầu tư. Đối tượng khách du lịch đến chủ yếu là công tác, nghiên cứu học tập; các khu điểm du lịch gắn với di tích còn nhỏ lẻ, sơ khai, chưa được đầu tư xây dựng, phát triển. Huyện đã thành lập sáu Ban quản lý di tích ở sáu di tích cấp quốc gia nhưng vì không có khách du lịch nên bà con chủ yếu trông coi, quét dọn. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Cạn, khu ATK và một số di tích lịch sử khác của tỉnh chỉ đón khoảng 400 lượt khách/năm. Không được chăm lo tu bổ, tôn tạo, phát huy, những di tích này có nguy cơ bị lãng quên.
Cần sớm có giải pháp
Không phải Bắc Cạn không quan tâm tu bổ, tôn tạo các di tích ATK mà là vì “lực bất tòng tâm” do khó khăn nguồn kinh phí. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Cạn, đến nay, toàn tỉnh có 19/46 di tích được tu bổ, tôn tạo trong đó có ba di tích thuộc quần thể di tích ATK Chợ Đồn. Ngoài ra, còn 27 di tích chưa được tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. Phó Bí thư Huyện ủy Chợ Đồn Ma Thị Na chia sẻ, có di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia như đồi Pù Cọ, Bản Bẳng (xã Nghĩa Tá). Tuy nhiên, một thời gian dài, di tích chỉ có đường lên bằng bê-tông, một bia di tích trên đỉnh đồi. Thời gian qua, huyện nỗ lực đầu tư được 20 triệu đồng. Nhưng vì kinh phí ít, đầu tư không được tới nơi tới chốn nên chỉ một thời gian ngắn đã xuống cấp.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Cạn Hà Văn Trường cho biết, ngân sách cấp cho việc tôn tạo di tích ít, chỉ có nguồn mục tiêu quốc gia về văn hóa, nguồn vốn xã hội hóa không nhiều. Tỉnh chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể di tích, danh lam, thắng cảnh trong khi nhiều di tích đã được kiểm kê nhưng chưa lập được hồ sơ xếp hạng. Việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích còn ít, một số đã xuống cấp cần được tu bổ, tôn tạo. Những di tích đã được tu bổ, tôn tạo thì lại chưa được khai thác, phát huy giá trị phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều di tích nằm ở vùng sâu, xa, không thuận giao thông nên việc gắn kết, phát huy với phát triển du lịch còn hạn chế.
Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ phát triển du lịch lịch sử tại các di tích ATK còn rất yếu kém. Các di tích thiếu hướng dẫn viên du lịch, du khách chỉ biết tìm hiểu một phần lịch sử qua một vài dòng ngắn ngủi tại các bia di tích. Một số ban quản lý di tích hoạt động chưa hiệu quả; đội ngũ cán bộ về lĩnh vực di sản văn hóa còn thiếu và yếu, nhất là cán bộ có trình độ sau đại học chuyên ngành về di sản văn hóa, chuyên ngành bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, chuyên ngành về bảo tàng.
Để kêu gọi, phát huy giá trị di tích ATK, trong tháng 10-2019, huyện Chợ Đồn đã thông qua Đề án Quản lý và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2019 - 2025. Trong đó, huyện tập trung tôn tạo, phục hồi di tích Đồi Pù Cọ ở Bản Bẳng; xây dựng các điểm văn hóa du lịch cộng đồng tại các thôn gần các di tích; mỗi năm huyện phấn đấu dành từ 500 triệu đến một tỷ đồng hỗ trợ công tác quản lý, phát huy giá trị các di tích; lập dự án thiết kế, cải tạo nội thất, bố trí lại cách bài trí, trưng bày hiện vật Nhà trưng bày tại di tích Nà Pậu; lắp mới công trình phụ trợ, như: điện thắp sáng, nước, vệ sinh, bãi đỗ xe…
Ông Hà Văn Trường cho biết thêm, để tôn tạo, phát huy khu ATK, cần sáng tạo sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên văn hóa bản địa, mang tính bản sắc, độc đáo của địa phương. Ngoài ra, việc vận động các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa bảo tồn, phát huy giá trị di tích là điều rất quan trọng khi ngân sách còn hạn hẹp. Tuy nhiên, với nguồn lực của tỉnh nói chung và huyện Chợ Đồn nói riêng là quá nhỏ nhoi. Do vậy, Bắc Cạn kiến nghị T.Ư tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn lực tu bổ, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng; đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý về văn hóa của địa phương.
Dù từng là nơi đóng chân của hầu hết các cơ quan T.Ư trong kháng chiến, tuy nhiên, việc kết nối, hỗ trợ tôn tạo, tu bổ các di tích của các cơ quan này còn rất ít. Đến nay, mới chỉ có Báo Nhân Dân đầu tư xây dựng di tích lịch sử Đồi Khuổi Đăm, nơi cơ quan Báo Sự thật ở và làm việc từ năm 1947 - 1951 và Bộ Tài chính hỗ trợ thông qua ngân sách tỉnh tôn tạo di tích lịch sử Phja Tắc, nơi đặt nhà máy in tiền của Bộ Tài chính từ năm 1947 - 1953.
Theo nhandan.com.vn