Cập nhật: 21/11/2019 15:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chính quyền Mỹ nỗ lực tìm giải pháp để ngăn chặn việc các nhà khoa học tại nước này chia sẻ thông tin nhạy cảm cho Trung Quốc thông qua các chương trình tuyển dụng nhân tài của Bắc Kinh.

Các nhà nghiên cứu làm việc trong phòng thí nghiệm (Ảnh: Getty)

Các quan chức an ninh quốc gia Mỹ cho biết các trường đại học tại nước này đang trở thành mục tiêu hàng đầu của kế hoạch do Trung Quốc thực hiện nhằm “bòn rút” chất xám khoa học và thu hẹp khoảng cách về công nghệ với phương Tây. Tuy nhiên, các công tố viên Mỹ đang phải đối mặt với không ít thách thức trong việc chứng minh những hành vi trái phép của Bắc Kinh trước tòa.

Theo giới chức Mỹ, chính quyền Trung Quốc đã trả tiền cho hàng nghìn nhà khoa học trên toàn thế giới để làm thêm ngoài giờ cho các tổ chức của Trung Quốc. Thông qua các thỏa thuận, các nhà khoa học sẽ dành vài tháng làm việc tại Trung Quốc mà không tiết lộ công việc họ làm cho cơ quan chính tại Mỹ.

Một số cơ quan nghiên cứu liên bang tại Mỹ, bao gồm Bộ Năng lượng, Viện Y tế Quốc gia và các cơ quan khác, gần đây đã điều chỉnh lại chính sách, yêu cầu các nhà khoa học làm việc cho các cơ quan này phải thông báo tất cả nguồn hỗ trợ từ nước ngoài, sau khi phát hiện ra quy mô của những hoạt động không được các nhà khoa học kê khai.

Báo cáo năm 2018 của tình báo Mỹ ước tính, Trung Quốc đã tuyển dụng 2.629 chuyên gia khoa học từ Mỹ thông qua “Kế hoạch Nghìn nhân tài” của Bắc Kinh. Đây mới chỉ là một trong số hơn 200 chương trình tương tự của chính phủ Trung Quốc.

Một ủy ban của Thượng viện Mỹ ngày 19/11 đã tổ chức phiên điều trần để xem xét những cách thức nhằm ngăn chặn các công trình nghiên cứu do Mỹ tài trợ bị chia sẻ với Bắc Kinh thông qua các chương trình của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh cho đến nay vẫn phủ nhận cáo buộc cho rằng họ đã xây dựng một kế hoạch mang tính hệ thống để đánh cắp công nghệ của Mỹ.

Tuy nhiên, nỗ lực của các cơ quan hành pháp Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc đang gặp trở ngại khi họ gặp khó khăn trong việc xác định rõ ràng các trường hợp bị coi là đánh cắp tài sản trí tuệ trong môi trường đại học. Các công trình nghiên cứu thường được các nhóm nhà khoa học chia sẻ với nhau, trong khi nhiều trường đại học nói rằng vì nghiên cứu học thuật cần phải được công bố, nên không có gì để đánh cắp ở đây.

Mặc dù vậy, các nhà chức trách Mỹ vẫn cho rằng đây là mối đe dọa thực sự.

“Mặc dù việc tham gia vào một chương trình tuyển dụng nhân tài không vi phạm pháp luật, nhưng điều đó có thể tạo ra động cơ cho các hành vi đánh cắp, vi phạm kiểm soát xuất khẩu, hoặc ít nhất là xung đột lợi ích”, John Demers, lãnh đạo cơ quan an ninh quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, phát biểu tại một hội nghị ở Washington gần đây.

Ngoài ra, việc truy tố các hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ cũng không đơn giản. Các nhà chức trách Mỹ năm ngoái đã nghi ngờ nhiều nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas chia sẻ các thông tin nhạy cảm với Trung Quốc và có liên hệ với các chương trình tuyển dụng nhân tài của Bắc Kinh.

Các công tố viên đã trình chứng cứ lên bồi thẩm đoàn và truy cập thư điện tử được tích lũy suốt nhiều năm từ các máy chủ của Trung tâm MD Anderson. Tuy vậy, vẫn chưa có cáo trạng nào được đưa ra.

Nỗ lực của cơ quan hành pháp Mỹ

Giáo sư Đại học Kansas Feng Tao (Ảnh: SCMP)

Hồi tháng 8, Bộ Tư pháp Mỹ đã thử nghiệm cách tiếp cận mới. Cơ quan này cáo buộc Franklin Feng Tao, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Kansas, có hành vi lừa dối trường đại học và chính phủ Mỹ, khi không tiết lộ thông tin về việc ông này từng nhận một vị trí làm việc toàn thời gian cho Đại học Phúc Châu ở Trung Quốc thông qua một chương trình của chính phủ Trung Quốc.

Các công tố viên cho rằng ông Tao cố tình không khai báo để có thể tiếp tục giữ công việc tại Đại học Kansas và tiếp tục nhận tiền trợ cấp từ chính phủ Mỹ, trong khi vẫn làm việc cho trường đại học ở Trung Quốc. Giới chức Mỹ coi trường hợp của giáo sư Tao là ví dụ điển hình cho việc truy tố những cá nhân tham gia vào các chương trình tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc, mà không phải đưa ra bằng chứng để chứng minh việc họ đã đánh cắp tài sản trí tuệ hoặc vi phạm quy định về kiểm soát xuất khẩu.

Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc giáo sư Tao cố tình không khai báo hợp đồng với Đại học Phúc Châu theo yêu cầu từ trường này, trong khi các cơ quan tại Mỹ vẫn trả lương cho ông này 37.000 USD. Nếu bị kết tội, giáo sư Tao có thể đối mặt mức án lên tới 20 năm tù cho hành vi gian lận.

Ông Tao sinh ra tại Trung Quốc và thường trú hợp pháp tại Mỹ từ năm 2002. Giáo sư đại học này bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào mình.

Các luật sư của giáo sư Tao nói rằng, cách Bộ Tư pháp Mỹ truy tố các cá nhân bị nghi ngờ tham gia vào các chương trình tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc sẽ “tạo ra tiền lệ nguy hiểm”. Trong khi đó, giới chức hành pháp Mỹ vẫn đang cố gắng thể hiện bộ mặt thân thiện hơn với các trường đại học.

John Demers, quan chức tại Bộ Tư pháp Mỹ, cho rằng chính phủ đang có cái nhìn “khắt khe” đối với các chương trình tuyển dụng nhân tài do chính phủ Trung Quốc tài trợ. Ông Demers cho biết khi nói về Trung Quốc, nhiều người sẽ hiểu đó là về chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, “chúng ta không nên để hành động của chính phủ khiến toàn bộ công dân nước họ bị nghi ngờ”.

Theo Thành Đạt/dantri.com.vn

Tệp đính kèm