Cập nhật: 14/12/2019 11:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bài toán đặt ra với chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson là làm thế nào để cân bằng quan hệ với Trung Quốc mà không chọc giận Mỹ.

Với chiến thắng của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử hôm 12/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã giành được đa số ghế cần thiết để thực hiện chiến dịch đưa Anh rời khỏi EU (Brexit). Hiện giờ công việc khó khăn đã bắt đầu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson rời phòng bỏ phiếu tại Methodist Central Hall, Westminster, với chú chó Dilyn sau khi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử ở London, Anh, ngày 12/12. Ảnh:  Reuters

Mỹ - đối tác thương mại chủ lực

Có nhiều dấu hiệu cho thấy đảng Bảo thủ sẽ đẩy nhanh kế hoạch Brexit của ông Johnson và kế hoạch này có thể được đưa ra bỏ phiếu tại một Hạ viện được cơ cấu lại trước cuối năm nay. Brexit đã chi phối nền chính trị của Anh suốt gần 5 năm. Ngay trước cuộc trưng cầu năm 2016 về quyết định ra đi hay ở lại Liên minh Châu Âu, đã nổi lên cuộc tranh luận về việc Anh sẽ rời EU như thế nào và Thủ tướng nào có được sự ủy quyền của Quốc hội để làm như vậy.

Brexit, bất kể “cứng” hay “mềm” sẽ có tác động lớn đến nền kinh Anh và London cần phải tạo ra các thỏa thuận thương mại mới để giảm thiểu thiệt hại. Một trong những thách thức lớn nhất là làm thế nào Anh có thể đối phó với các đối tác thương mại quan trọng, đứng đầu trong số đó là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Boris Johnson đã bị Công đảng chỉ trích trong suốt quá trình bầu cử vì đã làm ấm lòng Tổng thống Donald Trump, trong bối cảnh có nhiều đồn đoán cho rằng ông sẵn sàng cho phép các công ty Mỹ tiếp cận với Dịch vụ y tế quốc gia của Anh và các cơ quan công quyền quan trọng khác.

Tổng thống Trump là một “fan hâm mộ lớn” của Thủ tướng Boris Johnson và đã dành cho ông nhiều lời khen ngợi trong quá khứ , mặc dù nhà lãnh đạo Anh từng tránh nhắc đến người đồng cấp Mỹ trong chiến dịch tranh cử do nhiều cử tri Anh không ủng hộ ông Trump. Bên cạnh đó, Mỹ cũng là đồng minh quan trọng nhất của Anh và là một đối tác thương mại chủ lực, khi so sánh với EU.

Một thỏa thuận thương mại với Mỹ có thể hấp dẫn một số nhân vật trong đảng Bảo thủ của ông Johnson, nhưng Washington dự kiến sẽ đưa ra sự mặc cả cứng rắn có nguy cơ gây rủi ro đối với các cử tri Anh. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại nặng ký, giúp Anh không phụ thuộc quá nhiều vào Washington, nhưng lại có một loạt vấn đề riêng. Bài toán đặt ra với chính phủ của ông Johnson là làm thế nào để cân bằng quan hệ với Bắc Kinh mà không chọc giận ông Trump khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra.

Trung Quốc và những cơ hội không thể bỏ qua

Theo phân tích của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, Trung Quốc sẽ là bên thắng lợi nhất nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận, và có thể được hưởng lợi đáng kể từ giải pháp cứng rắn mà ông Johnson đưa ra trước đây.

“Những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ việc Brexit không thỏa thuận là những nước hiện đang đối mặt với mức thuế quan cao như Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản”, nghiên cứu cho biết. Cần phải nhắc lại rằng người tiền nhiệm của ông Johnson, bà Theresa May đã rất nỗ lực để tăng cường quan hệ với Trung Quốc trước khi bà thất bại để thông qua một dự luật Brexit và bị loại khỏi vai trò lãnh đạo của đảng Bảo thủ.

Bà từng nói rằng: “Có những cơ hội thương mại lớn ở Trung Quốc mà chúng tôi muốn giúp các doanh nghiệp Anh tận dụng”, đồng thời cho rằng “một kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Anh-Trung đã bắt đầu. Hiện tại, Anh không có một thỏa thuận thương mại lớn với Trung Quốc, đồng nghĩa với việc các bên có nhiều cơ hội để phát triển. Trung Quốc chiếm 3,5% lượng xuất khẩu và 6,6% lượng nhập khẩu của Anh trong năm 2018. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt khoảng 900 tỷ USD vào năm 2019.

Bắc Kinh luôn đón chào một mối quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với Anh bởi điều đó sẽ giúp nước này tăng cường ảnh hưởng tại Châu Âu, ngay cả khi Anh rời khỏi EU, theo phân tích của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu. “Các học giả Trung Quốc hy vọng rằng Brexit sẽ làm suy yếu vị thế của EU, khiến khối này phải đưa ra lập trường mềm mỏng hơn với Bắc Kinh. Cạnh tranh kinh tế giữa Anh và EU đối với đầu tư của Trung Quốc cũng có khả năng tạo ra các điều khoản tốt hơn cho công ty Trung Quốc”.  Trung Quốc đã gia tăng đáng kể ảnh hưởng ở Châu Âu, đặc biệt những quốc gia nghèo hơn ở khu vực đông Âu và Địa Trung Hải, một số nhà quan sát cho biết.

Ván cờ cân não của Thủ tướng Johnson

Mặc dù Thủ tướng Boris Johnson và các nhà đàm phán của ông muốn khai thác quan hệ thương mại từ Trung Quốc, nhưng bất cứ thỏa thuận nào giữa các bên cũng cần tránh gây ảnh hưởng tới quan hệ với Mỹ. Đặc biệt khi chính phủ Anh khó có thể làm suy yếu sức ép của Washington trong vấn đề thương mại.

Sau khi ông Johnson đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đảng Bảo thủ vào tháng 7/2019, truyền thông Trung Quốc đã đăng lại một bài phỏng vấn, từ khi ông còn là Ngoại trưởng Anh, trong đó ông nói rằng Anh rất ủng hộ Trung Quốc và quan tâm đến sáng kiến Vành đai –Con đường của nước này.

Trong bài xã luận được đăng tải một ngày sau khi chiến thắng của ông Boris Johnson được công bố, tờ China Daily của Trung Quốc cho biết, ông Johnson phải đối mặt với sự cân bằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. “Bởi Mỹ đã quyết định gây chiến với Trung Quốc trên nhiều mặt trận như thương mại, kỹ thuật và các vấn đề khác, nên điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến bất cứ thỏa thuận nào của Bắc Kinh với Anh. Một Hiệp định Thương mại tự do với Trung Quốc là điều Anh đã đặt hy vọng thời hậu Brexit”.

Cũng như thương mại, ông Johnson phải đối mặt với một quyết định đầy khó khăn là liệu có cho phép công ty công nghệ viễn thông Huawei tiếp cận với mạng lưới 5G của Anh hay không. Đây cũng là lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc đang có sự bất hòa.

Brexit và các cuộc tranh luận không hồi kết tại quốc hội về vấn đề này đã khiến chính trị Anh rơi vào tình trạng trì trệ kể từ năm 2016, khiến các chính trị gia phải tạm gác lại những vấn đề khác. Tuy nhiên, trước khi ăn mừng chiến thắng, ông Boris Johnson có thể đã lường trước những khó khăn sắp xảy ra./.

Theo Hồng Anh/VOV.VN

Tệp đính kèm