Cập nhật: 20/12/2019 10:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nga và Đức hôm 18/12 tuyên bố sẽ tiếp tục dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2" bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.

Rõ ràng các lợi ích kinh tế và chính trị mà dự án này mang lại khiến Đức nói riêng và châu Âu nói chung không thể bỏ qua nó mặc dù Mỹ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo.

Các đường ống dẫn khí gas từ Nga sang châu Âu. Ảnh: Dir.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 18/12 chỉ trích việc Mỹ quyết định áp trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2", nhưng nhấn mạnh Đức sẽ không đáp trả hành động này của Mỹ. Trong tuyên bố, bà Merkel khẳng định cách duy nhất để làm rõ vấn đề này là đối thoại.

“Chúng tôi phản đối các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đối thoại để giải quyết bất đồng. Chúng ta cần đối thoại nghiêm túc và chờ đợi xem các tiến bộ trong việc hoàn thành Dự án phương Bắc 2. Như tôi đã đề cập, điều quan trọng cần phải có các cuộc đối thoại với Ukraine trong bối cảnh Hiệp ước khí đốt giữa Nga và Ukraine sẽ hết hạn vào năm tới”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 18/12 cũng chỉ trích biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc 2".

“Nga và các đối tác châu Âu là Pháp và Đức không ủng hộ những biện pháp trừng phạt của Mỹ chống lại đường ống dẫn phương Bắc 2. Những hành động này vi phạm trực tiếp luật quốc tế, đây là ví dụ rõ cho cuộc cạnh tranh không công bằng”, ông Peskov nói.

Phản ứng của Nga và Đức được đưa ra sau khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty làm việc với đối tác xây dựng đường ống khí đốt Nga. Những biện pháp này đã được gửi tới Nhà Trắng để Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê duyệt.

Thực tế căng thẳng giữa Mỹ và Đức liên quan đến dòng chảy khí đốt này đã âm ỉ từ lâu. Đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) nối Nga với Đức qua biển Baltic gần đây đã thành trung tâm của một trận chiến kinh tế và địa chính trị, giữa một bên là Nga và các đối tác châu Âu với Mỹ và một số nước châu Âu phản đối dự án. Đối với Nga, một trong những mục tiêu của Dòng chảy phương Bắc 2 là đa dạng hóa con đường vận chuyển khí đốt tới châu Âu khi 43% lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu phải đi qua Ukraine.

Trong khi đó, với mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Ukraine và Nga luôn trong tình trạng "cơm không lành canh không ngọt" khiến châu Âu luôn “thấp thỏm” trong nỗi lo thiếu khí đốt như năm 2006 hay 2009. Do đó, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 này sẽ giúp cho giao dịch mua bán khí đốt giữa Nga và Liên minh châu Âu được ổn định hơn.

Ðức cũng được xem là nước được hưởng lợi nhiều nhất, bởi khi dự án hoàn thành, nước này có thể gia tăng vị thế tại châu Âu với tư cách là quốc gia phân phối năng lượng của Nga trong khối. Vì vậy bất chấp sự phản đối của Mỹ và một số quốc gia châu Âu khác, các đối tác của Nga tại châu Âu, với sự dẫn đầu của Đức vẫn quyết thúc đẩy dự án này.

Trong khi đó, Mỹ luôn lên tiếng phản đối và khẳng định dự án khí đốt sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Ukraine. Thực tế dự án này đang gây bất lợi cho chiến lược của Mỹ khi nước này nuôi tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu. Việc giá khí đốt của Nga bán sang châu Âu rẻ hơn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch này. Ngoài ra, dự án này có tác động chính trị rất quan trọng và là một trong những ràng buộc lẫn nhau giữa Nga và EU- điều mà Mỹ luôn cảm thấy “nóng mắt”.

Giới chuyên gia nhận định, với việc ban hành lệnh trừng phạt mới nhất, Mỹ dường như đang thừa nhận sự bất lực trong việc ngăn chặn dự án này. Châu Âu nói chung và Đức nói riêng khó có thể từ bỏ lợi ích kinh tế do người Nga đem lại trong dự án này, đặc biệt trong bối cảnh chính nước Mỹ cũng đang thực hiện khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” trong cuộc chiến kinh tế thương mại toàn cầu./.

Theo Phạm Hà/VOV.VN

Tệp đính kèm