Hôm 30/12, tòa án của Trung Quốc đã xét xử và tuyên án đối với 3 bị cáo trong vụ án "chỉnh sửa gen trẻ sơ sinh" gây chấn động dư luận hồi 2018.
Theo kết luận của Tòa án nhân dân quận Nam Sơn thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, 3 bị cáo, trong đó có người dẫn đầu nhóm tác giả công trình nghiên cứu "biến đổi gen" - nguyên Phó giáo sư Đại học Khoa học Công nghệ Phương Nam Hạ Kiến Khuê, đã tiến hành các hoạt động chỉnh sửa gen trên phôi thai người và y học sinh sản phi pháp, cấu thành tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Hạ Kiến Khuê. Ảnh: mạng Sina.
Theo đó, ông Hạ Kiến Khuê bị kết án 3 năm tù và phạt 3 triệu nhân dân tệ (gần 10 tỷ đồng), trong khi 2 bị cáo khác cũng bị phạt từ 1,5 đến 2 năm tù với mức phạt tiền từ 500.000 tới 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,65 tỷ đến 3,3 tỷ đồng).
Cáo trạng tại tòa cho rằng, từ năm 2016 đến nay, ông Hạ Kiến Khuê đã thực hiện công nghệ chỉnh sửa gen trên phôi thai người do biết những hoạt động này giúp mang lại lợi ích về thương mại, bất chấp hành vi trên vi phạm các quy định của Trung Quốc và y đức. Nhà khoa học này đã lấy danh nghĩa việc chỉnh sửa gen CCR5 trên phôi thai người có thể giúp đứa trẻ sinh ra miễn dịch với HIV, sử dụng công nghệ "biến đổi gen" ở phôi thai người mà tính an toàn và hiệu quả chưa được kiểm chứng như một biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Cũng theo cáo trạng, ông Hạ Kiến Khuê và các bị cáo đã giả mạo giấy tờ đánh giá đạo đức, tìm kiếm các cặp vợ chồng, trong đó chồng dương tính với HIV tham gia thí nghiệm. Bằng cách mạo danh và giấu chân tướng sự việc, các bị cáo đã cấy các phôi được chỉnh sửa vào cơ thể người mẹ, làm hai người mang thai, sinh ra 3 trẻ "biến đổi gen".
Hồi tháng 1/2019, kết quả điều tra vụ việc đã được cơ quan điều tra tỉnh Quảng Đông công bố.
Trước đó, tại Hội nghị quốc tế về biến đổi gen người diễn ra hồi tháng 11-2018 tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), ông Hạ Kiến Khuê đã làm chấn động giới khoa học khi thông báo về sự ra đời của cặp song sinh "biến đổi gen" đầu tiên trên thế giới.
Động thái này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trong cộng đồng khoa học, trong đó nhiều ý kiến lo ngại về việc thiếu dữ liệu kiểm chứng và những rủi ro của việc sử dụng các phôi thai khỏe mạnh để biến đổi gen. Ở nhiều nước trên thế giới, kỹ thuật biến đổi ADN ở người được kiểm soát chặt chẽ.
Theo PV/VOV.VN