Cập nhật: 12/01/2020 09:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) ngày càng tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi tư duy, phương thức và lực lượng sản xuất. Trong khi đó, nguồn nhân lực (NNL) chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Vì vậy, cần phải có giải pháp căn cơ về xây dựng NNL, tạo điều kiện cho NNL chất lượng cao phát triển.

Giờ thực hành kỹ thuật hàng không của sinh viên Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: KIM NGỌC

Thống kê gần đây nhất của Tổng Cục thống kê cho thấy, trình độ chuyên môn kỹ thuật hiện nay của NNL có những bước chuyển biến tốt, tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ tăng từ 15,6% năm 2011 lên 22,2% năm 2018, song có sự chênh lệch lớn giữa nông thôn và thành thị. Ðội ngũ nhân lực nghiên cứu và phát triển, khoa học và công nghệ (KH và CN) Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội. Lĩnh vực Toán, lý thuyết Vật lý có thứ hạng khá cao so với các nước. Nhiều sản phẩm, công trình nghiên cứu được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã dần thâm nhập vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ.

Theo TS Ðào Quang Vinh, Viện trưởng Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta chưa có nhiều công trình, sản phẩm KH và CN nổi bật mang tính đột phá ở khu vực và thế giới. Có nhiều nguyên nhân, trước hết do đội ngũ nhân lực KH và CN còn hạn chế, như: Thiếu hụt nhà khoa học giỏi, đầu ngành, mặc dù số lượng cán bộ KH và CN có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ khá đông, nhưng thiếu đội ngũ làm khoa học. Số lượng nhà khoa học có trình độ cao và có kinh nghiệm ngày càng giảm do đến tuổi nghỉ hưu; nhiều người được đào tạo ở nước ngoài không trở về nước làm việc; tinh thần hợp tác nghiên cứu và kỹ năng làm việc nhóm của đội ngũ nhân lực khoa học còn yếu, dẫn đến khó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và liên ngành để thực hiện các nhiệm vụ quy mô lớn. Chính sách thu hút, đãi ngộ cán bộ nghiên cứu chưa tạo động lực hấp dẫn đối với người có trình độ cao, tài năng trẻ. Bên cạnh đó, thiếu quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao thuộc các lĩnh vực KH và CN ưu tiên.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới WB cho thấy, chỉ số cạnh tranh tài năng (TCI) của Việt Nam năm 2013 đứng vị trí 82 trong tổng số 103 nền kinh tế tham gia xếp hạng; năm 2018 xếp ở vị trí 92 trong tổng số 125 nền kinh tế tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2019 tăng 3,5 điểm so với năm 2018 (từ 58 điểm lên 61,5 điểm). Ðáng chú ý, chất lượng đào tạo nghề tăng 13 bậc, kỹ năng của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp tăng 12 bậc, mức độ đào tạo nhân viên và mức độ dễ dàng tìm kiếm lao động lành nghề cũng tăng tám bậc, tư duy phản biện trong giảng dạy tăng bảy bậc… Thực tế nêu trên cho thấy, chỉ số tổng hợp về chất lượng NNL những năm qua của nước ta có chiều hướng tăng, nhưng còn chậm so với các nước khác. Chất lượng nguồn lao động thấp cũng là nguyên nhân chính dẫn đến năng suất lao động thấp và sẽ khó dịch chuyển sang các ngành nghề có giá trị tăng cao để tăng năng suất lao động.

Theo các nhà khoa học xã hội, để NNL chất lượng cao của Việt Nam phát triển bền vững cần tăng cường nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhân lực đối với phát triển kinh tế - xã hội cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và người dân. Phải nhất quán giữa chủ trương và hành động về phát triển nhân lực, coi đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển, luôn đi trước. Có chiến lược căn cơ về xây dựng vốn con người, bao gồm: Kiến thức, kỹ năng, sức khỏe và đạo đức được tích lũy. Chiến lược cần ưu tiên hai mục tiêu cụ thể, đó là đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển thể chất và tầm vóc con người Việt Nam và giáo dục toàn diện, nâng cao trình độ học vấn đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 thông qua các chương trình cải cách giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Ngoài ra, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, nhất là các trường đại học định hướng nghiên cứu. Nhà trường cần chủ động tiếp cận thị trường và tạo ra nhu cầu cho doanh nghiệp áp dụng thành quả nghiên cứu cũng như sử dụng nguồn lao động. Mở rộng liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo, mở rộng môi trường và cơ hội thực hành, việc làm cho sinh viên.. Xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, có chính sách thật sự trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện cho người tài phát huy năng lực và thu hút nhân lực trình độ cao.

Theo NINH CƠ/ nhandan.com.vn

Tệp đính kèm