Ngày 11-1, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết chính phủ có thể rút bỏ quy định về "ngưỡng 64 tuổi để lĩnh đầy đủ lương hưu cơ bản" vào năm 2027 trong dự thảo luật về cải cách lương hưu.
Đình công ở Paris, ngày 11-1, và dự kiến tiếp diễn vào ngày 14, 15 và 16-1. (Ảnh: Le Monde)
Trong thư gửi tới các nghiệp đoàn, Thủ tướng Pháp nói rằng việc rút bỏ quy định này sẽ được thực hiện với một số điều kiện nhất định. Theo đó, cần tổ chức hội nghị về cân đối tài chính - ngân sách cho quỹ lương hưu và các công đoàn được mời tham gia để cùng tìm ra giải pháp thỏa đáng. Nhiệm vụ của hội nghị này là thảo luận và thống nhất "các biện pháp nhằm cân đối tài chính vào năm 2027," một phần quan trọng trong các dự toán của Hội đồng thẩm định lương hưu thuộc quyền điều hành của thủ tướng chính phủ. Tháng 11-2019, Hội đồng này đã ước tính rằng thâm hụt của hệ thống lương hưu sẽ ở mức từ 7,9 đến 17,2 tỷ euro vào năm 2025.
Trong thư, Thủ tướng Pháp nhấn mạnh rằng, các biện pháp cân đối không nên dẫn đến việc giảm lương hưu để duy trì sức mua của người về hưu hoặc chi phí lao động cao hơn, bảo đảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Pháp. Theo đó, nếu có sự tham gia của tất cả các công đoàn, hội nghị này có thể diễn ra từ thứ ba tuần tới, thảo luận những bất đồng trước khi trình dự luật lên Hội đồng Nhà nước.
Thủ tướng Pháp khẳng định rằng cần cải cách, giảm dần thâm hụt quỹ lương và đạt mức cân đối vào năm 2027 và hy vọng các bên có thể đạt được sự đồng thuận vào cuối tháng tư. Còn không chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp theo pháp lệnh để quỹ lương không bị thâm hụt vào năm 2027.
Đề cập đề xuất do Thủ tướng đưa ra sau một ngày đàm phán không có kết quả với các công đoàn, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng sự thỏa hiệp này có tính xây dựng và có trách nhiệm.
Công đoàn CFDT và UNSA đã hoan nghênh thông báo của Thủ tướng, cho rằng đây là bước đi quan trọng để các bên tiếp tục thảo luận nhằm đạt được các giải pháp thỏa đáng nhất, bảo đảm quyền lợi của người lao động và cân bằng quỹ lương. Trong khi đó, công đoàn CGT vẫn kiên quyết phản đối dự luật này và thông báo về đợt tổng đình công mới vào ngày 16-1. Còn Hiệp hội Giới chủ Pháp (MEDEF) ủng hộ quyết tâm của Chính phủ trong việc cân đối quỹ lương vào năm 2027, cũng như đề xuất của Thủ tướng về việc tổ chức hội nghị tham vấn trong tuần sau.
Đình công kéo dài suốt 38 ngày qua khiến cho giao thông trên toàn nước Pháp, nhất là ở Paris và một số thành phố lớn, bị rối loạn. Tham gia đình công có nhân viên của các ngành: giao thông, giáo dục, luật sư, lọc dầu, y tế... Chính phủ Pháp đã nhượng bộ và chấp nhận một số yêu cầu duy trì quyền lợi đặc thù cho một số ngành nghề như phi công, cảnh sát... tuy nhiên các công đoàn vẫn tổ chức biểu tình nhằm đòi Chính phủ rút lại toàn bộ dự luật cải cách lương hưu. Một trong những quy định bị phản đối gay gắt nhất trong dự luật là việc ấn định tuổi 64 để về hưu và lĩnh đủ lương cơ bản.
Chương trình cải cách lương hưu của Tổng thống E. Macron là một dự án rất phức tạp, liên quan quyền mời và thu nhập của người về hưu. Dự kiến dự án này sẽ kéo dài đến 2025 để hoàn thiện các mục cải cách và có đủ thời gian chuyển tiếp cho một số ngành nghề đặc thù.
Theo KHẢI HOÀN/nhandan.com.vn