Cập nhật: 16/01/2020 19:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hãng Apple đang cố gắng thay đổi các chính sách của mình bằng cách tái chế thiết bị điện tử với robot tháo rời iPhone để thu hồi các khoáng chất có thể được phục hồi và tái sử dụng. Tuy nhiên, Apple cũng thừa nhận, nhu cầu thiết bị điện tử gia tăng trên toàn cầu và việc dựa vào ngành khai thác mỏ mới vẫn cần tiếp tục.

Các mô-đun máy ảnh và mô-đun loa được robot Daisy gỡ bỏ khỏi iPhone.

Apple cho biết, robot có tên Daisy là một phần trong kế hoạch phát triển trở thành nhà sản xuất khép kín, không dựa vào ngành công nghiệp khai thác mỏ, đây là một mục tiêu tích cực, tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng ngành công nghiệp này khó có thể thực hiện.

Các nhà điều hành khai thác lưu ý, với sự phổ biến ngày càng tăng của xe điện, việc khai thác các khoáng sản mới sẽ cần thiết ở quy mô lớn hơn, một thực tế mà Apple đã thừa nhận.

Bên trong một nhà máy ở ngoại ô Texas, Mỹ, robot Daisy của Apple đang phá vỡ các iPhone để lấy 14 khoáng chất, bao gồm cả lithium để chiết xuất và tái chế.

Apple đã sử dụng thiếc, coban và đất hiếm tái chế trong một số sản phẩm của mình, và đang có kế hoạch bổ sung thêm khoáng chất vào danh sách chất tái chế.

Robot Daisy có chiều dài khoảng 18m, sử dụng quy trình bốn bước để tháo pin iPhone với luồng khí -80 độ C (-176 độ F), sau đó bật các ốc vít và mô-đun ra khỏi bảng mạch, bao gồm cả mô-đun “haptic” tạo ra độ rung cho điện thoại.

Các thành phần này sau đó được gửi đến các nhà tái chế để các khoáng chất được chiết xuất và tinh chế. Robot Daisy có thể xử lý 200 chiếc iPhone mỗi giờ. Apple đã chọn iPhone là sản phẩm đầu tiên mà robot này sẽ tháo rời vì đây là sản phẩm phổ biến.

Apple đang xem xét chia sẻ công nghệ Daisy với các nhà sản xuất và đối tác khác, bao gồm cả các nhà sản xuất ô-tô điện.

Robot tái chế loại bỏ các thành phần chính như màn hình và pin tại một cơ sở tái chế của Apple ở Mỹ. 

Theo ANH NGỌC/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm