Tết đến, Xuân về là thời điểm người người trở về đoàn tụ cùng gia đình, người thân, tận hưởng không khí sum vầy ấm cúng. Thế nhưng, với những người làm du lịch, nhất là những hướng dẫn viên hay lễ tân khách sạn, Tết lại là thời điểm họ phải ngậm ngùi xa gia đình để hoàn thành công việc.
Tết là thời điểm bận rộn của những hướng dẫn viên du lịch. Ảnh: LINH NGỌC
Gần đây, du lịch Tết ngày càng trở thành xu hướng phổ biến được nhiều gia đình, nhóm bạn trẻ lựa chọn. Thay vì đón cái Tết mang phong vị truyền thống, họ muốn cùng nhau lên đường tận hưởng Tết phương xa, khám phá những trải nghiệm mới, từ đó gia tăng tính gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Cũng bởi lẽ đó mà những năm qua, càng gần dịp Tết, thị trường du lịch càng sôi động và công việc với những người làm du lịch càng áp lực. Vào nghề được 16 năm, nhưng Đặng Sơn, hướng dẫn viên của Công ty HanoiRedtours cho biết, đã có hơn mười cái Tết anh xa nhà. Tết Canh Tý năm nay, anh lại nhận nhiệm vụ đưa khách đi du lịch châu Âu, chuyến đi kéo dài từ mồng 2 đến mồng 10 Tết. Biết là đã chọn nghề thì phải đam mê và chấp nhận hy sinh, nhưng anh Sơn chia sẻ, vào những thời khắc đặc biệt, nghĩ tới cảnh vợ con ở nhà đón Tết mà không có chồng, có cha bên cạnh, khóe mắt anh lại cay cay vì thấy nợ gia đình thật nhiều. Thế nhưng, làm hướng dẫn viên là phải biết kìm nén bởi còn phải dẫn đoàn, phải trò chuyện cùng khách, phải truyền đi những cảm xúc tích cực trong suốt hành trình cho nên không thể để cảm xúc cá nhân chi phối. Thế nên mỗi năm phải xa nhà, anh lại căn giờ chờ đến đúng khoảnh khắc Giao thừa để gọi điện về chúc Tết bố mẹ, vợ con. Anh cũng không quên mang theo bánh chưng, nem, giò để được cùng các vị khách trong đoàn thưởng thức phong vị Tết Việt nơi đất khách quê người. Và rồi, mong chờ chuyến hành trình kết thúc thật suôn sẻ để có thể trở về nhà “bù” lại mùa xuân cho gia đình.
Thế mới thấy, cứ tưởng nghề hướng dẫn viên là nghề vừa làm vừa chơi, được đi đây đi đó để mở mang tầm mắt, ít ai biết, đằng sau bề nổi ấy là bao thách thức và cả sự hy sinh. Với cánh mày râu đã thế, với những nữ hướng dẫn viên, dẫn tua dịp Tết lại càng nhiều nỗi nghẹn ngào hơn. Chị Mai Lan, một hướng dẫn viên tự do ở Hà Nội cho hay, Tết là thời điểm chị bận rộn hơn cả vì đây là lúc cao điểm, các hãng lữ hành phải huy động đội hướng dẫn viên tự do mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu dẫn khách. Mùa Tết là mùa kiếm tiền cho nên phải cố gắng thu xếp, nhưng đi mới thấy nghẹn lòng những lúc Tết đến Xuân về, gia đình thiếu vắng người phụ nữ với vai trò giữ lửa mâm cơm Tết. Với những hướng dẫn viên trong nước, dẫn khách dịp Tết còn gặp vô vàn khó khăn bởi đây là lúc nhiều dịch vụ ăn uống, vui chơi đóng cửa, các tụ điểm giải trí lại đông người nên công tác quản lý khách phức tạp hơn. Chị Lan nói, có những thuật ngữ về các tua đi Tết mà chỉ dân hướng dẫn mới biết. Đó là tua xuyên Táo, tức những tua kéo dài từ trước ngày tiễn ông Công, ông Táo chầu trời cho đến những ngày Tết sau đó; tua xuyên mồng là những tua thường kéo dài từ mồng 1 Tết đến hết Tết; sợ nhất là tua gối đầu tức những tua liền kề nối tiếp nhau, hướng dẫn viên không kịp về nhà mà phải đảm nhận ngay tua khác. Những lúc này, họ phải nhờ người thân mang đồ dùng cá nhân đến để kịp bắt hành trình mới…
Với những người làm công việc lễ tân khách sạn cũng vậy, họ gần như không có nghỉ Tết vì đây là thời điểm du khách đến lưu trú nhiều. Họ thậm chí còn vất vả hơn ngày thường. Dù không phải là người đồng hành cùng khách trên từng chặng đường nhưng tại nơi lưu trú, lễ tân là người khách tiếp xúc đầu tiên và liên tục, giúp khách giải quyết nhiều vấn đề phát sinh cũng như kết nối khách với nhiều dịch vụ khác như tham quan, nhà hàng, đi lại… Do đó, họ phải luôn có mặt, túc trực với thái độ chu đáo, niềm nở. Trần Huyền, lễ tân tại một khách sạn có tiếng tại Hà Nội cho hay, muốn có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình là điều xa xỉ, bởi những ngày này, họ phải thay ca nhau đón khách. Số lượng khách lớn, công việc áp lực nên khi về đến nhà cũng đã mệt nhoài, chỉ đủ thời gian để nghỉ ngơi chứ không thể làm được những việc khác như đi chơi cùng gia đình hay gặp gỡ bạn bè…
Cứ đến Tết mới càng thấm thía nỗi niềm của những người làm du lịch khi phải nghẹn ngào đón Giao thừa từ những nơi xa. Thế nên, dân du lịch vẫn hay nói, để theo nghề này không những cần sự đam mê, yêu thích của bản thân mà còn cần cả sự thấu hiểu, đồng cảm của người thân. Để rồi cứ đến mùa Tết, dẫu biết phải xa gia đình, họ vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Có lẽ, vì lý do kiếm thêm thu nhập chỉ là một phần, quan trọng hơn là vì trách nhiệm, ý thức với công việc, để có thể góp phần xây dựng một nền du lịch Việt Nam ngày càng năng động, chuyên nghiệp hơn.
Theo ĐẮC LINH/nhandan.com.vn