Ðến với Lý Sơn (Quảng Ngãi) - vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc, có một địa danh văn hóa giàu giá trị lịch sử không thể bỏ qua, đó là Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải, còn gọi là Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Ðây là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật được sưu tầm, phục dựng gắn với đội hùng binh Hoàng Sa cách đây hơn 400 năm, nơi nhắc nhớ mỗi người về chủ quyền đất nước và niềm tự hào dân tộc.
Khách tham quan Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa.
Được khởi công xây dựng từ năm 2010, Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tọa lạc trong khuôn viên thoáng đãng rộng chừng 400 m2. Ngay giữa khuôn viên là cụm tượng đài uy nghiêm, sừng sững cao 4,5 m, nặng gần 40 tấn được tạc từ các khối đá lớn. Tượng hướng mặt ra Biển Ðông với dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa” khẳng định chủ quyền đất nước trên vùng quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Phía sau khắc dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” (dịch nghĩa: Hoàng Sa có vị trí cực kỳ hiểm yếu đối với biên giới của quốc gia), trích từ chiếu vua Minh Mạng ban vào năm Minh Mạng thứ 17.
Sử sách đã ghi lại, vào khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, để tăng cường quản lý vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chúa Nguyễn đã lập ra đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải do triều đình quản lý. Hằng năm, khoảng 70 trai tráng được lựa chọn từ cư dân vùng biển Trung Bộ, chủ yếu là vùng Lý Sơn, Quảng Ngãi để điều ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt và thu lượm sản vật và thường xuất phát từ cửa biển Sa Kỳ. Về sau, họ đảm nhận thêm nhiệm vụ đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền. Sử ghi, tháng giêng năm Ất Hợi 1815, vua Gia Long cử Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa để đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Năm Minh Mạng thứ 17, vua Minh Mạng cử Phạm Hữu Nhật đem theo binh thuyền và 10 bài gỗ ra đảo Hoàng Sa dựng làm dấu ghi nhớ... Các thành viên đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đều xác định một đi không trở về. Thực tế là nhiều người, nhiều đội binh như vậy đã để lại thân xác tại biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cho nên người thân của họ chỉ đắp mộ chiêu hồn, còn gọi là mộ gió. Những người lính Hoàng Sa khi đi cũng xác định khó trở về cho nên trước khi xuất phát mỗi người đều chuẩn bị sẵn một đôi chiếu, nẹp tre, dây mây, thẻ tre. Nếu gặp chuyện bất trắc, chiếu sẽ dùng để bó xác, nẹp tre dùng để nẹp dây mây quần lại, thẻ tre dùng để ghi phiên hiệu, quê quán rồi kẹp cùng xác và được đồng đội của họ thả xuống biển. Ngày nay để tưởng nhớ công lao của những hùng binh Hoàng Sa, hằng năm trên đảo Lý Sơn, vào mỗi tháng ba âm lịch, người dân nơi đây lại tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ðây luôn được coi là hoạt động tâm linh quan trọng đối với người dân đảo Lý Sơn.
Những dấu mốc, hiện vật gắn liền hoạt động của đội hùng binh Hoàng Sa đều được thể hiện khá rõ nét tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Nhà trưng bày gồm ba phòng: hai phòng đầu hồi được dùng làm nơi tiếp khách, thư viện và kho bảo quản tài liệu, hiện vật; phòng chính giữa là nơi trưng bày hơn 100 hiện vật cũng như sử liệu về chủ quyền, hoạt động của Hải đội Hoàng Sa. Các hiện vật được tổ chức theo ba nội dung. Phần một là “Lý Sơn - Tịnh Kỳ - quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa” nói về lịch sử hình thành Lý Sơn gắn với nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm-pa. Phần hai “Quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa, Trường Sa” tái hiện nhiều hình ảnh hoạt động với các đồ dùng thiết yếu của binh phu Hải đội như: ghe câu, chiếu cói, dây mây, nẹp tre, thẻ tre, lu đựng nước, xơ đay... Cùng với đó là ảnh chụp nhà thờ Phạm Quang Ảnh, mộ gió Phạm Hữu Nhật, lễ khao lề thế lính... Phần ba là các “Tư liệu, bản đồ trong và ngoài nước khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”. Trong đó, trưng bày nhiều bản đồ cổ của Việt Nam như: Ðại Nam nhất thống toàn đồ, An Nam đại quốc họa đồ; các bản đồ cổ của thế giới và của Trung Quốc. Tất cả đều là các tài liệu thuyết phục, cho thấy bằng chứng rõ ràng và mang tính pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa.
Với nguồn tư liệu, hiện vật sinh động, xác thực và khoa học, những năm gần đây, Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên huyện đảo Lý Sơn đã trở thành “địa chỉ đỏ” để người dân cả nước đến tìm hiểu, học tập, nghiên cứu để từ đó thêm biết ơn, khâm phục trước những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước và nâng cao nhận thức, trách nhiệm về việc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Theo VIỆT ANH/nhandan.com.vn