Tây Nguyên là mảnh đất trời phú được thiên nhiên ban tặng vô vàn ngọn thác đẹp. Có thể kể đến vài cái tên Pongour, Prenn, Dambri (Lâm Đồng), thác Draynur (Đăk Lăk), Dray Sáp, Đăk G'Lun (Đăk Nông)... và rất nhiều thác khác rải rác khắp đại ngàn. Thác Phú Cường tỉnh Gia Lai cũng nằm trong số đó, là điểm đến du lịch sinh thái đầy hấp dẫn của huyện Chư Sê ngày nay.
Được ví như một dải lụa vắt qua núi rừng Tây Nguyên, thác Phú Cường nằm trên địa bàn xã Dun, huyện Chư Sê. Đây là ngọn thác còn khá nguyên sơ và là một trong những ngọn thác nổi tiếng và đẹp nhất của tỉnh Gia Lai.
Thác Phú Cường nằm cách thành phố Pleiku chỉ 44km. Từ trung tâm thành phố đi về phía đông nam qua núi Hàm Rồng, chạy dọc theo quốc lộ 14 bạn sẽ đến với trung tâm hành chính huyện Chư Sê, từ đó rẽ trái theo quốc lộ 25 đi khoảng 5km là sẽ thấy biển báo chỉ dẫn đường vào thác.
Dọc tuyến đường huyết mạch quốc lộ 14 đến với Chư Sê là vô vàn những cánh rừng, đồn điền trồng cao su. Cao su ở đây có giá trị kinh tế rất cao, đến mùa rụng lá, rừng cao su Chư Sê đẹp như một bức tranh mùa thu của các nước ôn đới.
Toàn cảnh ngọn thác Phú Cường với chiều cao 45m. Thác Phú Cường nằm trong khu vực mỏ đá cùng tên, chung quanh là núi rừng bao phủ với khí hậu mát lạnh cùng không khí rất trong lành.
Trước kia, muốn xuống được chân thác bạn phải đi bộ trên chiếc cầu gỗ khá ọp ẹp. Huyện Chư Sê sau này đã mời gọi các nhà đầu tư, cầu thang đã được làm hoàn toàn lại bằng sắt có tay vịn chắc chắn uốn lượn dẫn thẳng xuống chân ngọn thác.
Một điều khá thú vị là thác Phú Cường chảy trên nền nham thạch của một ngọn núi lửa hàng triệu năm tuổi, nay đã ngừng hoạt động. Dưới chân thác là vô vàn những khối đá đen, xám tàn tích của núi lửa, hình thù đa dạng xếp chồng lên nhau. Mùa mưa những phiến đá này rất trơn và mùa hạ sẽ bỏng rát nếu chủ quan đi chân không trên nó.
Nguồn nước của thác bắt nguồn từ một ngọn núi gần đó, chảy vào dòng suối La Peet phía thượng nguồn đổ xuống. Từ ngoài cổng Khu du lịch thác Phú Cường rẽ phải là đường vào thác, bên trái có một cầu treo, được bắc qua dòng suối nhỏ La Peet này.
Những cột nước khổng lồ đổ xuống từ độ cao 45m tung bọt trắng xóa, ì ầm vang động cả góc rừng. Ít người biết theo dòng chảy, suối La Peet này còn chảy ra tới sông lớn Ayun, nơi có hồ thủy điện Ayun Hạ nổi tiếng.
Nằm trên nền nham thạch của ngọn núi lửa đã tắt, chung quanh là đại ngàn rừng xanh bao phủ, khí hậu mát lạnh nên thảm thực vật ở đây rất phong phú, từ hệ thống cây cổ thụ, thảm rêu, cỏ tranh, dương xỉ,...
...đến những loài hoa lạ mọc đầy dưới chân thác, chen lẫn hệ thống đá chồng đen tuyền của tàn tích núi lửa triệu năm.
Phú Cường có nhiều ưu điểm của một khu du lịch sinh thái hấp dẫn với nhiều hình thức khám phá. Những ai ưa mạo hiểm có thể men theo con đường mòn bên trái dưới chân thác, con đường này đi xuyên qua những đồi cỏ, xen lẫn những chiếc lá khổng lồ to bằng người, dẫn sâu vào lòng vách núi phía sau ngọn thác.
Thảm thực vật như thời tiền sử trong lòng hang, vách núi phía sau thác. Vào được đến đây rất trơn trượt, bạn cần phải rất cẩn thận cùng việc phải chú ý chọn cho mình một đôi giày, dép phù hợp cho việc di chuyển, khám phá ở đây.
Từ trong lòng hang nhìn ra bên ngoài, xuyên qua dòng nước đang cuồn cuộn tung bọt cùng làn hơi nước mù mịt, có cảm giác như đang chìm trong tiên cảnh.
Những gốc cây cổ thụ khổng lồ mọc trên nền đá đen, đối diện thác. Đây là nơi được nhiều du khách chọn làm điểm nghỉ chân dưới những tán cây lớn, đủ xa để an toàn, đủ gần để tận mục sở thị toàn cảnh ngọn thác hùng vĩ Phú Cường.
Theo HẠ DU/nhandan.com.vn