Pháp ghi nhận 108 người tử vong trong 24 giờ - Tốc độ tăng số ca tử vong tại Anh nhanh hơn Italy - Phần Lan đóng cửa biên giới
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng tại Tehran, Iran. (Ảnh: IRNA/ TTXVN)
Theo số liệu thống kê của https://www.worldometers.info, tính đến 6h10' sáng 20/3 theo giờ GMT số ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 10.000 người.
CSSE cho biết trong tổng số 245.913 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới, đã có tổng cộng 10.048 ca tử vong. Trong đó, Italy có 3.405 người tử vong - nhiều nhất thế giới và riêng ngày 19/3 ghi nhận 427 ca.
Trong khi đó, châu Âu đã ghi nhận tổng cộng 100.470 ca nhiễm, với 4.752 ca tử vong, nhiều hơn khu vực châu Á có 94.253 ca nhiễm và 3.417 ca tử vong.
Số ca tử vong tăng lên mức đáng lo ngại
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, giới chức Pháp ngày 19/3 cho biết trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận thêm 108 ca tử vong do COVID-19 và 1.861 ca mắc mới.
Theo đó Pháp đã ghi nhận tổng cộng 10.995 trường hợp mắc COVID-19 và 372 trường hợp tử vong kể từ khi dịch bùng phát. Ngoài ra, trong số 4.761 bệnh nhân phải nhập viện có 1.122 người trong tình trạng phải chăm sóc đặc biệt.
Điện Elysée cho biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ chủ trì cuộc họp Hội đồng quốc phòng trong ngày 20/3 để đánh giá việc thực hiện các biện pháp hạn chế tối đa di chuyển để ngăn chặn dịch lây lan. Lệnh này có hiệu lực từ trưa 17/3, với thời hạn trước mắt là 2 tuần và có thể kéo dài thành 4 tuần tùy thuộc diễn biến tình hình thực tế.
Trong khi đó, tại Anh đang xuất hiện lo ngại nước này trở thành một "Italy thứ hai" về số ca tử vong do COVID-19 trong những ngày tới.
Theo phóng viên TTXVN tại London, tính từ thời điểm có ca tử vong đầu tiên do mắc COVID-19 ở Anh hai tuần trước đây thì tốc độ tăng số ca tử vong hằng ngày tại Anh tính theo tỷ lệ phần trăm đang gia tăng nhanh hơn tại Italy.
Thực tế này đang gia tăng sức ép đối với Chính phủ Anh trong việc ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh trước khi Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) bị quá tải và mất khả năng đối phó.
Italy ngày 18/3 ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong một ngày, với 475 người, nhưng trên thực tế tốc độ bắt đầu chậm lại.
Kể từ khi Italy bắt đầu ghi nhận số ca tử vong ở mức hai chữ số lần đầu tiên, mức tăng trung bình hằng ngày là khoảng 35%. Tuy nhiên, trong tuần qua, mức tăng số ca tử vong tại Italy đã giảm xuống dưới 20%, trong đó mức tăng từ 2.503 ca lên 2.978 ca ngày 18/3 tương đương 19%.
Ngược lại, tại Anh đang chứng kiến tỷ lệ tử vong có mức tăng 50% mỗi ngày, trong khi tốc độ tăng này tại Tây Ban Nha là 49% những ngày gần đây.
Ngoài ra, trong tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 tại Italy tăng 171%, trong khi mức tăng tại Anh là 480%, tại Pháp là 300% và tại Đức là 550%.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 19/3, chính quyền vùng Lombardi, vùng tâm dịch ở miền Bắc Italy đề xuất tạm ngừng xây dựng bệnh viện dã chiến ứng phó dịch tại thành phố Bergamo do thiếu nghiêm trọng các y, bác sỹ và thiết bị y tế tại các bệnh viện.
Trong đề xuất gửi Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy, vùng Lombardia đề nghị đình chỉ hoạt động xây dựng bệnh viện dã chiến tại Bergamo và nhấn mạnh tại thời điểm này nhân viên y tế không đủ để chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19.
Lãnh đạo bệnh viện Papa Giovanni XXIII ở Bergamo cho biết các y, bác sỹ tại đây đang phải làm việc cả ngày lẫn đêm, và viện đang rất cần bổ sung đội ngũ y tế cũng như các thiết bị cần thiết khác, đặc biệt máy trợ thở trong tình trạng khẩn cấp dịch COVID-19.
Trước tình hình dịch bệnh tiếp diễn phức tạp, Chính phủ Italy tiếp tục xem xét khả năng kéo dài thời gian đóng cửa các hoạt động thương mại và trường học sau ngày 3/4, và bổ sung các biện pháp thắt chặt kiểm soát hơn nữa hoạt động đi lại của người dân trước thực trạng người dân không chấp hành nghiêm sắc lệnh hạn chế di chuyển.
Iran ngày 19/3 thông báo 149 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là số ca tử vong cao kỷ lục trong một ngày và nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 1.284 ca.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Alireza Raisi cho biết số ca nhiễm mới hằng ngày đã giảm, với 1.046 ca được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 18.047 ca.
Tỉnh Tehran ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất với 137 ca, sau đó là tỉnh miền Trung Isfahan với 108 ca và Gilan ở miền Bắc với 73 ca.
Người phát ngôn bộ trên Kianoush Jahanpour kêu gọi người dân "quyết định sáng suốt" liên quan đến việc đi lại trong dịp lễ Nowruz, tức kỳ nghỉ lễ Năm mới theo lịch Hồi giáo, từ ngày 20/3-3/4, thời điểm mà hàng triệu người Iran có truyền thống thăm hỏi gia đình, người thân.
Các nước tăng cường các biện pháp phòng dịch
Sau rất nhiều sức ép, Chính phủ Anh đang phải lên kế hoạch quyết liệt bắt đóng cửa các nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim tại thủ đô London, cũng như hạn chế hoạt động của hệ thống giao thông công cộng. Những biện pháp này có thể sẽ khiến hàng trăm nghìn người phải nghỉ làm.
Người dân tại London, Anh ngày 18/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Chính phủ Phần Lan ngày 19/3 đã đóng cửa biên giới, khiến hàng nghìn du khách bị mắc kẹt dẫn tới tình trạng hỗn loạn ở vùng Lapland phía Bắc nước này.
Người đứng đầu cơ quan du lịch thành phố Rovaniemi, bà Sanna Karkkainen, cho biết sân bay Rovaniemi vẫn hoạt động nhưng đã đình chỉ các chuyến bay quốc tế trực tiếp khởi hành từ Lapland.
Trong khi đó, các sân bay ở Helsinki-Vantaa, Mariehamn và Turku có cung cấp các chuyến bay quốc tế nhưng chỉ chở hàng hóa và công dân Phần Lan về nước. Số chuyến bay cũng bị cắt giảm mạnh. Điều này đã dẫn tới tình cảnh hỗn loạn tại các sân bay ở Lapland khi hàng nghìn du khách nước ngoài không thể di chuyển.
Tính đến thời điểm hiện tại, Phần Lan xác nhận gần 400 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Katri Kulmuni cho biết đại dịch COVID-19 chủ yếu tác động tới ngành du lịch và nguồn cung hàng hóa nhập khẩu của nước này.
Trong khi đó, Bộ Y tế Israel ghi nhận tổng cộng 140 ca nhiễm trong ngày 19/3, mức cao nhất trong một ngày, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 573 ca. Trong số này có 6 ca nặng.
Quân đội Israel cùng ngày cho biết sẽ tăng cường vai trò của mình trong nỗ lực kiềm chế dịch. Theo lệnh tác chiến "Tia sáng", Các lực lượng phòng thủ Israel (IDF) sẽ thực hiện các trách nhiệm dân sự trong khi vẫn "duy trì khả năng tác chiến và tiếp tục bảo vệ đất nước."
Quân đội đã nâng mức cảnh báo lên cấp hai trong thang 4 bậc vì dịch COVID-19. Quân đội sẽ tăng cường khả năng cho các bệnh viện dân sự bằng cách huấn luyện nhân viên y tế và giúp duy trì nguồn cung ứng ở trong và từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, các xe vận tải quân sự đã được điều chỉnh lại cho phù hợp với việc dùng làm xe cứu thương dân sự để vận chuyển bệnh nhân COVID-19. Hiện khoảng 5.600 binh sĩ IDF đang được cách ly, 10 ca nhiễm đều trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Tòa án Tối cao Israel đã ra phán quyết rằng Quốc hội phải giám sát việc cơ quan an ninh nội địa Shin Bet thu thập thông tin các công dân trong khuôn khổ cuộc chiến chống dịch COVID-19. Theo phán quyết, các biện pháp khẩn cấp trên phải được một ủy ban của Quốc hội giám sát. Tòa cũng yêu cầu Quốc hội thành lập ủy ban này trước ngày 24/3 tới.
Trước đó, Nội các của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã thông qua biện pháp trên theo các quy định khẩn cấp, vượt qua thẩm quyền của một ủy ban quốc hội, với lý do không có thời gian tranh luận về các biện pháp và đặt sự an toàn lên trên hết.
Quyết định trên được đưa ra trước khi Quốc hội mới tuyên thệ nhậm chức sau cuộc bầu cử hồi đầu tháng này. Đảng Danh sách Arab hỗn hợp (AJL), lực lượng chính trị lớn thứ ba ở Israel, đã kháng cáo quyết định trên, dẫn đến phán quyết của Tòa án Tối cao.
Người đứng đầu Shin Bet, Nadav Argaman cho biết các dữ liệu thu thập được sẽ được gửi tới Bộ Y tế, không lưu trữ tại Shin Bet.
Tại Iraq, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã đình chỉ hoạt động huấn luyện cho quân đội Iraq do lo ngại dịch COVID-19. Động thái này diễn ra chỉ ít ngày sau khi liên quân Mỹ thông báo sẽ rút bớt binh sĩ khỏi một số căn cứ nhỏ ở Iraq.
Theo phóng viên TTXVN tại vùng Vịnh, một sĩ quan cấp cao thuộc lực lượng liên quân Mỹ cho biết động thái giảm quân số và tái bố trí lực lượng tại một số căn cứ ở Iraq là do các lực lượng của nước này đã có thể tự kiểm soát những mối đe dọa từ tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Trước đó, liên quân Mỹ từng đình chỉ hoạt động huấn luyện hồi tháng 1, và được lên kế hoạch nối lại hoàn toàn, song dịch COVID-19 bùng phát tại Iraq một lần nữa khiến kế hoạch này bị đình chỉ. Iraq hiện ghi nhận tổng cộng 192 ca nhiễm, trong đó có 13 ca tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Saudi Arabia cho biết nước này đã ghi nhận thêm 36 ca nhiễm mới, qua đó nâng tổng số ca nhiễm ở vương quốc này lên 274 người. Trong các ca mới, có 17 người đến từ các nước Maroc, Anh, Tây Ban Nha, Iran, Pakistan, Kuwait, Iraq, Ấn Độ, Mỹ và Ai Cập. Còn lại 19 trường hợp khác đã tiếp xúc với những bệnh nhân nhiễm.
Trong phát biểu đầu tiên trên truyền hình kể từ khi dịch bùng phát tại Saudi Arabia, Quốc vương Salman nhận định giai đoạn sắp tới sẽ còn khó khăn hơn khi dịch đã lan rộng ở cấp độ toàn cầu, song bày tỏ tin tưởng quốc gia này sẽ vượt qua thách thức.
Saudi Arabia đang phải chịu tác động kép của dịch COVID-19 khi giá dầu giảm mạnh và các hoạt động của nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab này bị đình trệ do lệnh đóng cửa các khu mua sắm, rạp chiếu phim, nhà hàng, hàng loạt chuyến bay bị hủy và lễ hành hương truyền thống hằng năm phải ngừng để kiềm chế sự lây lan của virus.
Saudi Arabia cũng đã ngừng hoạt động cầu nguyện tại mọi ngôi đền, trừ 2 đền linh thiêng nhất của người Hồi giáo ở thánh địa Mecca và Medina.
Ngày 19/3, Hội đồng Bộ trưởng Liban thông báo sẽ cung cấp hỗ trợ xã hội và các loại thực phẩm cho người dân đã mất nguồn thu nhập do dịch. Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel cho biết: "Hàng cứu trợ sẽ được phân phát thông qua Ủy ban Cứu trợ cấp cao và các trung tâm tài trợ địa phương."
Thủ tướng Hassan Diab cũng kêu gọi người dân giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất. Nội các đã quyết định mở một tài khoản tại Ngân hàng trung ương để nhận các khoản hỗ trợ tài chính chống dịch. Ủy ban Cứu trợ cấp cao được giao nhiệm vụ tiếp nhận và phân phát các tài trợ này. Trong khi đó, các bộ trưởng đã quyên góp 100 triệu bảng Liban (66.000 USD) trích từ lương của mình để hỗ trợ chống dịch. Liban hiện ghi nhận 149 ca nhiễm, trong đó 4 ca tử vong.
Cùng ngày, Chính phủ Oman cũng đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm giảm tác động kinh tế do dịch gây ra. Theo hãng thông tấn ONA, từ ngày 19/3 -31/4, các nhà hàng tại Oman sẽ được miễn nhiều loại thuế, trong khi các loại phí đô thị được tạm áp dụng đối mới tất cả các cơ sở kinh doanh.
Bên cạnh đó, tiền thuê nhà máy tại các thành phố công nghiệp cũng được hủy và các công ty không phải trả phí để được tái cấp phép kinh doanh. Chính phủ cũng quyết định cung cấp bổ sung dự trữ nhu yếu phẩm và hoãn thanh toán nợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Oman hiện ghi nhận 39 ca nhiễm và 13 ca tử vong./.
Theo TTXVN/Vietnam+
https://www.vietnamplus.vn/so-ca-tu-vong-vi-covid19-tren-toan-cau-da-vuot-10000-nguoi/629522.vnp