Ruộng đồng hạn mặn, được hỗ trợ nước ngọt kịp thời; ngư dân chẳng may bị tai nạn ngoài khơi, có quân y cứu chữa. Làm đường cho dân đi, dựng nhà cho dân ở, giúp dân vượt lũ, qua ghềnh, trong cơn hoạn nạn thắm tình quân dân. Đó là biểu hiện của tình sâu nghĩa nặng giữa bộ đội Hải quân với bà con.

Những bình, phi đựng nước ngọt của Vùng 2 Hải quân tặng bà con vùng hạn mặn tỉnh Bến Tre. Ảnh: MINH THẮNG
Nước ngọt miễn phí
Năm 2019 và đầu năm 2020, các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói chung và Bến Tre nói riêng được coi là nơi có “thiên tai khốc liệt”. Nắng gió quanh năm không có hạt mưa, ruộng đồng nứt nẻ, triều cường ngập mặn đang ngày đêm “hành hoành” làm “chao đảo” đời sống người dân.
Trước tình hình ấy, với tinh thần “chăm lo đời sống nhân dân là trách nhiệm, nghĩa vụ, chức năng của quân đội”, “Ở đâu có nhân dân, ở đó có dấu chân bộ đội”, được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Vùng 2 nắm tình hình thực tế, tổ chức cấp nước ngọt miễn phí và tặng bà con vùng hạn mặn những vật dụng chứa đựng nước ngọt để bà con ổn định cuộc sống.
Ngày 9-3-2020, chuyến hải trình chở hơn 250 khối nước ngọt của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân xuất phát từ Quân cảng Long Sơn (Vũng Tàu) vượt hơn 500 km đến với bà con huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Khó có thể nói hết niềm vui khi bà con huyện Châu Thành đón 250 khối nước ngọt, 200 bồn trữ nước loại 500 lít, 500 bình nước uống loại 20 lít của bộ đội Hải quân gửi tặng. Trưởng ban Dân vận tỉnh Bến Tre - ông Lê Văn Gặp không giấu được xúc động: “Giữa mùa hạn mặn này, bà con kiếm được nước ngọt ăn uống vô cùng khó khăn. Những lít nước ngọt của Bộ đội Hải quân Vùng 2 gửi tặng là những lít nước ngọt nghĩa tình. Bà con Bến Tre chúng tôi cảm kích sự quan tâm giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Vùng 2. Trong hoạn nạn, chúng tôi thấy được tình đoàn kết quân dân càng thêm gắn bó, thân thiết”.
Cùng con trai đến nhận nước ngọt, bà Trần Thị Điệu không giấu được xúc động. Bà bảo, nhiều ngày qua, gia đình bà bị đảo lộn. Nước ngọt sinh hoạt không đủ nấu ăn, tắm giặt, trẻ con đổ bệnh vì nóng quá. “Bà con chúng tui cảm ơn các chú bộ đội lắm! Tui mong rằng, sau đợt hạn mặn này, trời sẽ đổ mưa cho bà con có nước dùng. Sông ngòi đã cạn kiệt. Chúng tui chia xẻn từng ca nước hằng ngày”, bà Điệu chia sẻ.
Trước dự báo hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bến Tre nói riêng có thể kéo dài 2 - 3 tháng nữa, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn nói chung và Bộ Tư lệnh Vùng 2 nói riêng đã có kế hoạch cấp nước ngọt miễn phí cho các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Hậu Giang - đây là những tỉnh Bộ Tư lệnh Vùng 2 “phối hợp ký kết chương trình hoạt động tuyên truyền biển đảo”, trong đó có nhiệm vụ chăm lo, giúp đỡ, cấp nước ngọt cho bà con mùa hạn hán.
Trung tá Võ Minh Thắng, cán bộ Ban Dân vận của Vùng 2 Hải quân cho biết, thực hiện kế hoạch của Bộ Tư lệnh Vùng, tới đây, Vùng tiếp tục cấp nước ngọt miễn phí cho bà con trong tháng tư. “Chúng tôi luôn coi việc cấp nước ngọt cho bà con vùng hạn mặn là sự chăm lo và trách nhiệm. Những lúc khó khăn, gian nguy này càng phải cần nhau, càng thể hiện tình quân dân thắm thiết keo sơn như cá với nước”, Trung tá Thắng cho hay.
Không phải đến sáng 9-3, Bộ đội Hải quân Vùng 2 mới có chuyến hải trình chở nước ngọt cho bà con vùng hạn mặn. Mà trước đó, ngày 20-2, chuyến tàu Hải quân mang phiên hiệu 935, Hải đội 811 của “Lữ đoàn tàu không số 125” đã cấp nước ngọt cho bà con xã Mỹ An, huyện Thạch Phú, tỉnh Bến Tre. Chuyến hải trình chở nước ngọt giữa mùa xuân đong đầy cảm xúc trong tim những người lính trẻ. Hơn 300 m3 nước ngọt và 2.000 bình chứa nước (loại 5 lít do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cung cấp) chưa đủ để “rải” khắp lượt các hộ dân vùng hạn mặn, nhưng đã thể hiện nghĩa tình quân - dân như cá với nước. Đại tá Đỗ Văn Yên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 2 Hải quân chia sẻ: “Trên tinh thần chung tay giúp đồng bào vùng hạn mặn, cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân coi cung cấp nước ngọt cho bà con là trách nhiệm trong nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Bộ đội Hải quân Vùng 2 luôn đồng hành, sát cánh cùng bà con trong những ngày qua và những ngày tiếp theo nữa”.

Bơm nước ngọt cho bà con huyện Châu Thành, Bến Tre. Ảnh: MINH THẮNG
Giúp dân vô điều kiện
Với bộ đội Hải quân Vùng 2, quân y sĩ Trường Sa, giúp bà con nhân dân trong hạn mặn, cứu ngư dân giữa biển khơi không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, mà còn là tình người trong lúc gian nan. Ở đó chưa bao giờ có sự phân biệt, chỉ có tình quân dân đong đầy thắm thiết và dâng tràn cảm xúc.
Ngày 6-3, đảo An Bang - Trường Sa tiếp nhận ngư dân Huỳnh Tấn Vinh (37 tuổi, quê Quảng Ngãi) bị ngã gây chấn thương mạn sườn và thành ngực phải khi lao động trên tàu. Tại bệnh xá đảo An Bang, các y sĩ đã nỗ lực băng bó vết thương, cố định phần gãy, ổn định tư tưởng cho người bệnh. Trước đó ngày 4-3, Bệnh xá đảo Song Tử Tây tổ chức cấp cứu ngư dân Nguyễn Tẩn (SN 1967, quê Quảng Ngãi) với chẩn đoán bị hội chứng giảm áp, bại yếu chân phải do lặn sâu dưới lòng biển. Cả hai ngư dân đều nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng và không có khả năng lao động tiếp theo.
“Cứu dân là mệnh lệnh”, máy bay EC 225 của Binh đoàn 18 đã khẩn cấp đáp xuống đảo Song Tử Tây đưa hai ngư dân khẩn cấp về đất liền điều trị. Đón hai ngư dân từ Trường Sa trở về, các y bác sĩ ở Bệnh viện T.Ư quân đội phía Nam 175 đã tận tình cứu chữa. Qua báo cáo, hai ngư dân Huỳnh Tấn Vinh và Nguyễn Tẩn đã ổn định và đang tích cực điều trị tại Bệnh viện 175.
Trưa 8-3, các bác sĩ ở Trung tâm y tế đảo Trường Sa lớn đã tổ chức cấp cứu và điều trị cho ba ngư dân bị thương do nổ bình ga khi lao động trên tàu cá QNg 95036 TS. Ngư dân Trần Tùng, 41 tuổi (trú tại huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi). Và mới đây nhất, 9 giờ ngày 11-3, Tàu 266, Chi đội kiểm ngư số 2 đang thực hiện nhiệm vụ trên biển thì nhận được tín hiệu cấp cứu từ tàu cá TG 93926 TS. Ngư dân gặp nạn là anh Phan Văn Lộc. Trong quá trình lao động, anh Lộc không may ngã vào dao trên sàn tàu bị rách phần mềm cẳng tay phải dài 3 cm, sâu 1 cm, máu chảy nhiều. Nhân viên y tế Tàu 266 đã tiến hành vệ sinh sát trùng, khâu ba mũi; cấp thuốc kháng sinh. Sau thời gian ngắn cứu chữa, ngư dân Phan Văn Lộc đã trở lại tàu cá lao động. Nước mắt lưng tròng, anh Lộc chỉ biết nói lời cảm ơn đến quân y sĩ Tàu 266.
Bộ đội Hải quân Vùng 2 nói chung và đội ngũ y bác sĩ ngoài đảo Trường Sa nói riêng giúp bà con nhân dân vùng hạn mặn và ngư dân bị tai nạn trên biển đã trở thành truyền thống cao đẹp trong nhiều năm qua. Phía sau những giọt mồ hôi của những chiến sĩ trẻ lúc vận chuyển hàng trăm tấn nước ngọt cho bà con Bến Tre; sau lưng áo thấm đẫm mặn mòi của bác sĩ ngoài “quần đảo bão tố” khi cứu ngư dân gặp nạn trên biển, là niềm kiêu hãnh chen lẫn xúc động vô bờ.
Theo nhandan.com.vn