Thống kê do Bộ Y tế Pháp công bố tối 24-3 cho thấy, số ca mắc Covid-19 ở nước này vẫn rất đáng lo ngại, thêm 240 ca tử vong, 2.448 ca nhiễm trong một ngày. Trước tình hình bệnh dịch còn phức tạp, Chính phủ Pháp có thể gia hạn thời gian hạn chế di chuyển.
Đường phố, giao thông công cộng ở Pháp vắng hẳn so với tuần trước.
Ông Jérôme Salomon, Tổng Cục trưởng Y tế Pháp cho biết các trường hợp tử vong được công bố mỗi ngày chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện và nhà dưỡng lão. Tổng số nhiễm bệnh và tử vong ở Pháp đã lên tới 22.304 và 1.100, tăng 2.448 ca nhiễm và 240 ca tử vong so với ngày 23-3. Hiện có 2.516 trong tình trạng nguy kịch. Tất cả các cơ sở y tế công và tư đã được huy động để cứu chữa bệnh nhân và số giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân nặng tăng từ năm nghìn lên tám nghìn giường trong mấy ngày gần đây.
Có thêm 2.448 ca nhiễm mới tại Pháp kể từ ngày 23-4. (Nguồn: Bộ Y tế Pháp)
Vấn đề xét nghiệm trên quy mô lớn tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận tại Pháp. Sau nhiều ngày áp dụng biện pháp ưu tiên xét nghiệm cho người bị bệnh nặng, có tuổi hoặc có triệu chứng rõ ràng do nhiễm virus corona, Chính phủ Pháp huy động thêm các phòng xét nghiệm tư nhân nhằm thực hiện thêm nhiều xét nghiệm trong thời gian nhanh nhất. Do vậy, số người được phát hiện nhiễm hằng ngày tăng cao trong tuần qua. Cách làm này cũng được áp dụng ở Đức, Áo và đã cho thấy hiệu quả rất cao. Tỷ lệ tử vong ở hai nước này rất thấp so với các nước chung quanh vì người bị bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời. Đức phát hiện 31.370 ca nhiễm, chỉ có 133 ca tử vong tính đến ngày 24-3. Tổng số nhiễm bệnh ở Áo là 4.971 nhưng cũng chỉ có 28 người tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến nghiêm trọng, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết trong cuộc họp ngày 24-3, Hội đồng Khoa học đã đưa ra kiến nghị kéo dài thời hạn phong tỏa hơn hai tuần, thậm chí sáu tuần nữa. Để bảo vệ sức khỏe cho người dân, các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn sự lây lan sẽ thay đổi chỉ khi bệnh dịch có chiều hướng suy giảm. Trước đó Bộ trưởng Y tế đã báo cáo trước Quốc hội rằng Chính phủ đang huy động các nguồn lực để có thể thực hiện hàng chục, hàng trăm nghìn xét nghiệm phát hiện người nhiễm viru corona trong những ngày tới. Tuy nhiên, các chuyên gia Pháp cho rằng, hạn chế tối đa sự di chuyển là phương án khả thi nhất để ngăn chặn sư lây lan vì khó có thể tiến hành xét nghiệm trên toàn quốc.
Cùng với việc sử dụng máy bay trực thăng để chở các ca bệnh nặng từ các vùng có bệnh viện quá tải tới điều trị ở khu vực ít bị ảnh hưởng, Chính phủ Pháp đã huy động cả ngành đường sắt vào hoạt động cứu chữa bệnh nhân. Ngày 24-3, một tàu cao tốc y tế (TGV y tế) đã chuyển 30 bệnh nhân từ hai thành phố Mulhouse và Strasbourg ở phía đông tới các nơi khác có điều kiện chữa trị. Đây là lần đầu tiên tàu cao tốc ở Pháp và châu Âu được trang bị để cấp cứu bệnh nhân Covid-19.
Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cảnh báo rằng, quy mô của khủng hoảng kinh tế do bệnh dịch Covid-19, hiện đang hoành hành khắp thế giới, có thể so sánh với "Đại suy thoái" kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 1929 đến hết những năm 1930. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Paris, Bộ trưởng Bruno Le Maire cho rằng, bệnh dịch sẽ là một cú sốc kinh tế khủng khiếp không chỉ với Pháp mà cả thế giới. Ông nói: Mức tăng trưởng của Pháp trong năm 2020 sẽ thấp hơn nhiều so với dự báo trước khi đại dịch bùng phát, có thể ở mức - 1%. Nguyên nhân là vì thêm mỗi tuần phong tỏa di chuyển, mỗi tháng kéo dài của bệnh dịch sẽ làm cho tình hình phát triển kinh tế của Pháp ngày càng xấu đi.
Theo ông Bruno Le Maire, tình hình diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở châu Âu cũng như Mỹ có tác động rất lớn tới Pháp. Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đã hiện rõ, vì vậy Bộ trưởng Kinh tế Pháp nhận định rằng, tác động và hậu quả của bệnh dịch sẽ rất lâu dài, vượt xa các cuộc khủng hoảng gần đây và chỉ có thể so sánh với cuộc đại suy thoái năm 1929.
Do lệnh đóng cửa biên giới với các nước trong khu vực EU, nguồn cung cấp hàng hóa cho nhu cầu tại Pháp cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, Bộ trưởng Bruno Le Maire đề nghị các nhà phân phối Pháp tăng cường thu mua từ nông dân trong nước để bảo đảm nguồn cung cấp và hỗ trợ nền nông nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Vấn đề này cũng được Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp đề cập đến trong ngày 24-3 khi kêu gọi người Pháp nhàn rỗi đi tham gia thu hoạch với nông dân. Ngành nông nghiệp đang cần 200 nghìn việc làm, trong khi đó có rất nhiều người đang bị thất nghiệp tạm thời vì dịch bệnh.
* Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã triển khai các biện pháp cần thiết để hỗ trợ công dân và cộng đồng người Việt. Khi bệnh dịch lan rộng, Đại sứ quán đã liên tục cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh tại Pháp trên trang web, đăng khuyến cáo về các biện pháp của Chính phủ Việt Nam và các nước châu Âu liên quan đến biện pháp hạn chế nhập cảnh do dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ những người có mong muốn về nước.
Trong tuần trước, nhiều công dân Việt Nam đã mắc kẹt tại sân bay Charles de Gaulle do lệnh đóng cửa biên giới của nước sở tại. Đại sứ quán đã phối hợp chặt chẽ Vietnam Airlines, Air France và chính quyền sở tại để bảo đảm quyền lợi cho công dân Việt Nam, trở về nước an toàn. Các bộ phận của Đại sứ quán, nhất là Phòng Lãnh sự, đã làm việc liên tục để tư vấn và hỗ trợ tối đa cho cộng đồng ở Pháp và cả những người quá cảnh qua Pháp. Đại sứ quán đã gấp rút xây dựng trang web tương tác trực tuyến bảo hộ công dân (https://ambassade-vietnam.com/lien-he/) để nắm bắt thông tin và duy trì liên lạc với cộng đồng người Việt. Qua đó, Đại sứ quán đã nhận được hàng nghìn lượt đăng ký của người Việt ở Pháp và đã cung cấp thông tin kịp thời, đồng thời chia sẻ những khó khăn, lo ngại và hỗ trợ tối đa để mọi người yên tâm trong tình hình bệnh dịch tiếp diễn phức tạp ở Pháp.
Đại sứ quán cũng phối hợp Hội người Việt Nam tại Pháp và Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, kêu gọi các bác sĩ và sinh viên ngành y đang có mặt tại Pháp đăng ký tình nguyện hỗ trợ cộng đồng. Hiện đã có hơn 30 bác sĩ, sinh viên ngành y - dược tham gia tư vấn cho cộng đồng khi có yêu cầu. Trong những ngày qua, Đại sứ quán đã kết nối để tư vấn và trợ giúp một số người Việt có triệu chứng nhiễm bệnh trong đó có người được nhập viện, điều trị kịp thời.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, hiện không có trường hợp người Việt nào trong tình trạng nguy kịch do nhiễm virus corona. Thông qua kênh trực tuyến của Đại sứ quán, nhiều người Việt đã gửi thư cảm ơn sự quan tâm của Đại sứ quán trong thời điểm khó khăn này. Một số sinh viên Việt Nam theo học ngành y ở các tỉnh tại Pháp cũng đã liên hệ trực tiếp với Đại sứ quán, đề nghị được tham gia công tác hỗ trợ y tế cho cộng đồng.
Theo KHẢI HOÀN/Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp