Với mong muốn trẻ có được chiều cao vượt trội, nhiều bà mẹ đã mua những sản phẩm tăng chiều cao cho con uống, nhưng sau đó mới nhận ra kết quả không như quảng cáo. Chiều cao của bé là kết quả nhiều yếu tố gộp lại, giống như 1 món ăn muốn ngon cần nhiều nguyên liệu – Có những nguyên liệu thay đổi được và những nguyên liệu không thể thay thế được.
Yếu tố di truyền
Đến nay, giới khoa học vẫn tiếp tục tranh luận sự khác biệt chiều cao của các dân tộc khác nhau, nhất là quan điểm cho rằng chủ yếu do di truyền và quan điểm kia cho rằng chiều cao tác động từ các yếu tố ngoại cảnh. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sinh học đều thống nhất là sự tăng trưởng của cơ thể chịu ảnh hưởng của cả yếu tố di truyền và ngoại cảnh. Yếu tố di truyền chiếm 23%. Đây được xem là yếu tố không thay đổi được. Hiện nay có nhiều công thức dự đoán được chiều cao của trẻ, trong đó có 1 công thức dễ nhớ:
Đối với bé trai: Chiều cao của trẻ = [(Chiều cao của bố + Chiều cao của mẹ) + 13 cm] / 2
Đối với bé gái: Chiều cao của con = [(Chiều cao của bố + Chiều cao của mẹ) – 13 cm] / 2
Các yếu tố ngoại cảnh
Yếu tố vận động chiếm 20%. Một đứa trẻ ít vận động thường xuyên xem ti vi, điện thoại thì khó đạt chiều cao tối ưu bằng đứa trẻ vận động đầy đủ. Bởi trong lúc vận động các đầu xương được kích thích và bồi đắp thêm từ đó mà phát triển. Các bậc cha mẹ ngày nay chăm sóc con quá kỹ: không cho con tự vận động, đi đâu cũng đưa đón, trẻ ít vận động ngoài trời và ngồi xem tivi, đọc truyện, say mê vi tính thay vì chơi thể thao, tập thể dục các môn giúp tăng chiều cao như đạp xe, đi bộ, bơi lội, bóng rổ, cầu lông... Điều này cũng ảnh hưởng đến việc phát triển chiều cao của trẻ.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, việc cho trẻ tập các môn thể thao như bơi lội, bóng rổ... cũng giúp trẻ cải thiện chiều cao đáng kể.
Yếu tố thứ 3 là môi trường sống, bệnh tật, giấc ngủ chiếm 25%. Nếu sống trong môi trường sống chật hẹp thì chiều cao của trẻ khó phát huy tối đa được, 1 đứa trẻ bệnh tật triền miên như tiêu chảy, viêm đường hô hấp… cũng ảnh hưởng lớn chiều cao sau này. Các gia đình có khuynh hướng ngủ muộn (sau 22 giờ) làm rút ngắn giấc ngủ sâu. Một giấc ngủ sâu bắt đầu từ khoảng 21 giờ, khoảng 22 giờ đến 3 giờ sáng là lúc cơ thể tiết ra hormon tăng trưởng cao nhất, kích thích xương dài hơn. Nếu đêm ngủ không đủ sâu giấc thì trẻ có nguy cơ phát triển chậm lại.
Cuối cùng và quan trọng nhất là dinh dưỡng, chiếm tới 32%. Hai thời điểm rất quan trọng để cung cấp đủ dinh dưỡng để phát triển tối đa chiều cao là 1000 ngày đầu đời và tiền dậy thì. Nếu như can thiệp đúng cách sẽ giúp trẻ cao thêm khoảng 10cm thậm chí 15cm so với di truyền. Dinh dưỡng bao gồm: cung cấp đủ năng lượng, cân bằng các chất và đặc biệt là nhóm các chất Canxi, Vitamin D3 và Vitamin K2.
Để tăng chiều cao trẻ nên ăn uống đa dạng, phù hợp với lứa tuổi.
Đứng ở góc độ dinh dưỡng, nguyên tắc cơ bản là cho trẻ ăn uống tự nhiên, đa dạng thực phẩm tùy thuộc nhu cầu trẻ và theo dõi sự phát triển của trẻ. Nếu như trẻ không tăng trưởng hoặc tăng trưởng chậm so với đường tăng trưởng nên có của trẻ nghĩa là trẻ cần can thiệp dinh dưỡng. – Gặp các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn phù hợp
- Bù đủ khoảng trống năng lượng trẻ thiếu bằng chế phẩm giàu dinh dưỡng.
- Bổ sung khoáng chất cho khung xương: Canxi + D3 + K2 bằng các chế phẩm phù hợp, an toàn.
Theo suckhoedoisong.vn