Để bảo vệ vững chắc chủ quyền và giữ vững môi trường hòa bình, ổn đinh trên vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 5 xác định tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại quốc phòng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong tình hình hiện nay.
Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thái Lan thăm BTL Vùng 5 Hải quân.
Vùng 5 Hải quân, tiền thân là Vùng 5 Duyên Hải, được thành lập ngày 26/10/1975 theo Quyết định 141-QĐ/BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,có nhiệm vụ quản lý vùng biển, đảoTây Nam từ cửa sông Gành Hào, tỉnh Bạc liêu đến Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Chiều dài bờ biển khoảng 450 km, diện tích vùng biển rộng khoảng 150 nghìn Km2, giáp ranh với vùng biển các nước Campuchia, Thái Lan, Malaixia. Vùng biển Tây Nam có khoảng130 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó có 5 quần đảo gồm: An Thới, Thổ Chu, Nam Du, Bà Lụa, Hải Tặc và một số đảo độc lập. Đây là vùng biển có vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với các tỉnh, thành Tây Nam Bộ.
Trong suốt gần 45 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân luôn chủ động, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, lập nên nhiều chiến công tiêu biểu trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam; đặc biệt đã hoàn thành xuất sắc 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, cao cả trên đất bạn Campuchia. Hiện nay Vùng 5 Hải quân luôn là điểm sáng trong công tác đối ngoại quốc phòng, tổ chức tuần tra chung và giao lưu với Hải quân Hoàng gia Thái Lan, Hải quân Hoàng gia Campuchia ,góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.
Ký kết chương trình Hải quân nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển tại Kiên Giang.
Nổi bật trong công tác đối ngoại quốc phòng những năm qua đó là, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng luôn quán triệt, tuyên truyền để mọi cán bộ chiến sĩ thực hiện nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng về công tác đối ngoại; xác định rõ mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng; nắm vững quy chế phối hợp hoạt động tuần tra chung với Hải quân Hoàng gia Campuchia và Hải quân Hoàng gia Thái Lan; thường xuyên duy trì có hiệu quả kênh thông tin đường dây nóng, kịp thời trao đổi, thông báo tình hình và giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trên biển, nhất là trên vùng biển giáp ranh và vùng nước lịch sử. Trong quá trình tuần tra chung, cán bộ, chiến sĩ của Vùng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, khắc phục khó khăn, thực hiện nghiêm kế hoạch đề ra. Đến nay, Vùng 5 Hải quân đã thực hiện 58 chuyến phối hợp tuần tra chung (4 chuyến/năm) và 29 lần tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuần tra chung với Hải quân Hoàng gia Campuchia; 40 chuyến tuần tra chung và giao lưu với Hải quân Hoàng gia Thái Lan (2 chuyến/năm). Quá trình tuần tra chung hai bên đã tổ chức huấn luyện các nội dung như: phối hợp tìm kiếm cứu nạn, chống cháy, chống chìm, cơ động đội hình, thông tin vô tuyến điện và thông tin bằng cờ hiệu, cờ tay, ánh đèn…tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí, tặng trang thiết bị y tế cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Campuchia, trị giá hàng tỷ đồng; tổ chức thăm, giao lưu với Vùng 1, Vùng 2 Hải quân Hoàng gia Thái Lan. Qua đó, để lại ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển Tây Nam và củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, cùng xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển.
Một trong những yếu tố quyết định đến thành công trong công tác đối ngoại quốc phòng, đó chính là chất lượng hoạt động tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày càng được quan tâm, chú trọng.Trong đó đơn vị đã tập trung biên soạn, hoàn thiện các nội dung tuyên truyền, vừa bảo đảm đúng đường lối, quan điểm của Đảng, vừa sâu sắc trong lập luận vàkhẳng định rõ chứng cứ pháp lý, bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; tổ chức tuyên truyền sâu, rộng về nội dung, linh hoạt về hình thức, đa dạng về đối tượng; phản ánh sinh động, kịp thời ý chí, nguyện vọng và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta.Thể hiện tính đúng đắn, nhất quán về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội trong công tác đối ngoại.
Đại tá (nay là Chuẩn Đô đốc) Nguyễn Duy Tỷ - Tư lệnh Vùng 5 Hải quân thăm, giao lưu tại Quân cảng Rem của Campuchia.
Quá trình tổ chức thực hiện đơn vị đã tập trung tuyên truyền cho ngư dân Việt Nam và ngư dân các nước trong khu vực về Luật biển quốc tế; các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước về khai thác thủy, hải sản; phạm vị vùng biển của các nước; các hiệp định Việt Nam đã ký kết với các nước trong khu vực, qua đó góp phần ngăn chặn và hạn chế việc ngư dân của ta sang vùng biển các nước để khai thác hải sản trái phép, bị bắt giữ và phạt tiền, cũng như việc ngư dân các nước vi phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam…
Những năm tới, tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục có sự biến đổi mạnh mẽ với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn. Xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam; các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình”, thúc đẩy "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" và thực hiện "phi chính trị hóa" quân đội; tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, mất ổn định; vùng biển, đảo Tây Nam cơ bản ổn định, tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, khai thác hải sản trái phép vẫn tiếp tục xảy ra; thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đang kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, Quân đội nhân dân Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của quân đội các nước trên thế giới, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, của quân đội chúng ta.
Từ tình hình trên, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tuần tra chung, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, tạo sự chuyển biến vững chắc về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng đối với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.
Nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền đối ngoại phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, tích cực, chủ động, không ngừng đổi mới, sáng tạo, kiên định quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước; lấy bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc làm mục tiêu tối thượng; đồng thời tôn trọng luật pháp quốc tế và nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, góp phần cùng các lực lượng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo, thềm lục địa Tây Nam của Tổ quốc. Để cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng điều đó, Vùng 5 Hải quân tập trung làm tốt công tác giáo dục, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của trên, mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng và tuần tra chung. Đồng thời, chú trọng giáo dục quan điểm, nguyên tắc và phương châm hội nhập, đối ngoại quốc phòng theo đúng tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết 806-NQ/QUTW, ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Nghị quyết 17-NQ/ĐU, ngày 15-02-2019 của Đảng ủy Vùng về “Lãnh đạo nhiệm vụ đối ngoại quân sự và tuần tra chung”, v.v. Qua đó, giúp cho cán bộ, chiến sĩ của Vùng luôn quán triệt và thực hiện nghiêm các đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và căn cứ biển Hải quân hoàng gia Campuchia trao biên bản ghi nhớ tại hội nghị rút kinh nghiệm tuần tra chung lần thứ 28 .
Hai là, Phát triển, hoàn thiện nội dung, đổi mới, vận dụng linh hoạt, sáng tạo và kết hợp chặt chẽ các hình thức, phương pháp tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu, góp phần xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt chiến lược Quốc phòng, chiến lược Quân sự, chiến lược Biển, chiến lược đối ngoại, đường lối, chủ trương, chỉnh sách liên quan đến tuyên truyền đối ngoại của quân đội về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.Tham mưu đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng, ban hành và thực tốt các nghị quyết, chỉ thị, thông tư, quy chế, quy định liên quan đến tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Ba là, Thường xuyên nắm bắt nhu cầu thông tin của các đối tượng được tuyên truyền, chuẩn bị nội dung tuyên truyền đối ngoại cho sát với nhu cầu người nghe; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền sao cho phong phú, đa dạng, kết hợp tuyên truyền miệng với các hình thức tuyên truyền khác.
Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao hiểu biết về văn hóa, lịch sử xã hội, phong tục, tập quán và cập nhật thông tin về quân đội, hải quân các nước có liên quan; nâng cao ý thức chấp hành quy định, luật pháp nước sở tại; xây dựng ý thức giữ gìn hình ảnh tốt đẹp về đất nước, con người và Quân đội, Hải quân nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hiểu biết, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng với hải quân các nước liên quan khi thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, tuần tra chung. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân không vi phạm pháp luật và chủ quyền của vùng biển nước khác; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên biển.
Bốn là, phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ chủ trì và cơ quan chức năng; quan tâm chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chuyên gia làm công tác tuyên truyền đối ngoại của quân đội về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đội ngũ cán bộ tuyên truyền phải có phẩm chất đạo đức và năng lực tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, có lập trường, trình độ, phương pháp, tác phong công tác khoa học, có khả năng tổng hợp, khái quát cũng như diễn giải, làm rõ những vấn đề đặt ra trong công tác tuyên truyền.
Năm là, gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động tuyên truyền đối ngoại của quân đội với hoạt động tuyên truyền đối ngoại của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chỉnh trị xã hội và ngoại giao nhân dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp, các tổ chức, các lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài của Trung ương và địa phương góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Hiện nay, công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã và đang đặt ra những yêu cầu mới; các thế lực thù địch tăng cường chống phá ta trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh; xuyên tạc lịch sử, chủ quyền quốc gia biển, đảo Việt Nam; nói xấu Đảng, Nhà nước, Quân đội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc và quyết liệt. Do đó nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới là vấn đề có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn góp phần thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, tuần tra chung, tăng cường xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau xây dựng vùng biển Tây Nam hòa bình, ổn định và phát triển./.
Theo Đại tá Nguyễn Đăng Tiến – Chính ủy Vùng 5 Hải quân/dangcongsan.vn