Cập nhật: 07/04/2020 10:16:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lợi dụng tình hình này thời gian qua trên không gian mạng, một số đối tượng đã liên tục phát tán nhiều thông tin giả gây hoang mang dư luận.

Càng nguy hiểm hơn khi dựa trên những thông tin xấu độc ấy các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền xuyên tạc, kích động hòng tạo ra những bất ổn về an ninh trật tự xã hội, phá hoại sản xuất trong nước, chia rẽ Việt Nam với các nước trên thế giới và sâu xa hơn là chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Thông tin giả “nối giáo cho giặc”

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là trường hợp cô N.H.N bệnh nhân số 21 nhiễm virut Covid-19 và một số người trong đó có cả cán bộ, đảng viên trở về từ vùng dịch đã không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực. Sau khi trở về Việt Nam số người nói trên vẫn hoạt động bình thường, di chuyển đến nhiều nơi, gặp gỡ tiếp xúc với nhiều người... Câu chuyện này đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Bên cạnh những thông tin tích cực, có không ít người lợi dụng quyền tự do internet, tự do mạng xã hội tung lên nhiều thông tin giả, thông tin suy diễn không chính xác gây ảnh hưởng tiêu cực đến các tập thể, cá nhân và cộng đồng xã hội mà trực tiếp là công tác phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe người dân của Việt Nam.

Cho đến ngày 18-3-2020, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã phối hợp xác minh, đấu tranh với gần 1.000 trường hợp thông tin sai sự thật trên không gian mạng, xử phạt hành chính hàng trăm trường hợp và đang xem xét tính chất, mức độ nghiêm trọng có thể sẽ khởi tố hình sự một số đối tượng.

Những hành vi do thiếu hiểu biết và nhằm động cơ, mục đích cá nhân như đã nêu trên không chỉ gây nhiễu loạn thông tin khiến người dân hoang mang khó phân biệt được đâu là thông tin chính xác, đâu là thông tin giả, để có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà còn gây khó khăn không nhỏ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Sự xuất hiện tràn lan những thông tin giả, thông tin xuyên tạc, bịa đặt ấy chẳng khác nào tiếp tay cho kẻ xấu, “nối giáo cho giặc”.

Bộ đội vận chuyển đồ lên xe cho các công dân về với gia đình. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Những giọng điệu tuyên truyền xuyên tạc chống phá

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, cả hệ thống chính trị và toàn dân Việt Nam đang chung tay vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nhằm góp phần cùng các nước trên thế giới kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi, giảm thiểu những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra. Ấy vậy mà đây đó vẫn có một số tổ chức phản động lưu vong móc nối, cấu kết với một số phần tử phản động, cơ hội chính trị trong nước sử dụng những thông tin giả, triệt để khai thác ưu thế của không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc về quan điểm, chủ trương, chính sách, các giải pháp và kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam, kích động người dân chống phá Đảng và Nhà nước.

Thủ đoạn rất đáng chú ý là một số tổ chức phản động, phần tử cơ hội chính trị đã lợi dụng khoảng trống thông tin khi các cơ quan báo chí, truyền thông của ta chưa kịp đăng phát những thông tin chính thống thì chúng đã lồng ghép những thông tin giả xuyên tạc, bóp méo sự thật rồi tung lên không gian mạng rất sớm nhằm làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận. Chẳng hạn trong việc một số cán bộ đi công tác nước ngoài trở về từ vùng dịch nhưng chưa tự giác cách ly theo quy định, khi các cơ quan báo chí chính thống chưa kịp thông tin thì một số tổ chức phản động lưu vong cùng các đối tượng cơ hội, chống đối ở trong và ngoài nước đã suy diễn quy chụp rằng, việc để cho quan chức từ các nơi có nguy cơ nhiễm bệnh dịch cao trở về, di chuyển bình thường, mà không đặt dưới sự giám sát chặt chẽ về y tế... nguyên nhân là do chủ trương, chính sách trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Nhà nước Việt Nam. Từ đây chúng xuyên tạc, công kích Chính phủ Việt Nam “bưng bít thông tin, yếu kém trong xử lý dịch bệnh”. Những chủ trương, quyết sách, cách ứng xử của Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam với những người phải cách ly, theo dõi, điều trị bệnh (cả người nước ngoài) là rất nhân văn, đậm tình người nhưng chúng xuyên tạc rằng đó chỉ là trò “mị dân”… Những giọng điệu ấy ít nhiều đã làm cho thế giới hiểu chưa đúng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và tinh thần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Tiếp nữa, từ những thông tin moi móc đời tư, xuyên tạc, bịa đặt về cuộc sống của cán bộ cấp cao là bệnh nhân số 21, một số đối tượng thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị đã “vơ đũa cả nắm” quy kết rằng đó là “cuộc sống quý tộc của quan chức Cộng sản Việt Nam... Chúng ta không phủ nhận trong nội bộ có những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Điều này Đảng ta đã chỉ rõ trong Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Nhưng đó chỉ là “Con sâu làm rầu nồi canh”.

Cần khẳng định rằng tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên ta là những người luôn hết lòng với dân, tận tụy với nước, ngày đêm nhiệt thành vì công việc tập thể. Thử hỏi nếu không có đội ngũ cán bộ, đảng viên tận trung với nước, tận hiếu với dân như thế thì làm sao chúng ta có được những thành quả toàn diện, tốt đẹp như hôm nay. Nếu đội ngũ cán bộ của ta sống “quý tộc” như giọng điệu xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ của bọn phản động và những phần tử cơ hội chính trị thì chắc chắn xã hội này đại loạn từ lâu rồi.

Cùng với thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật về tình hình dịch bệnh, xuyên tạc công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành chức năng, trên không gian mạng chúng còn thực hiện các cuộc thăm dò ý kiến nhằm tạo ra những luồng thông tin trái chiều gây áp lực với Đảng và Nhà nước ta trước nhiều nội dung khác nhau như: “đóng cửa biên giới Việt Nam - Trung Quốc”; “các doanh nghiệp, khu công nghiệp có yếu tố người nước ngoài thuộc các quốc gia có nhiều người nhiễm bệnh như: Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc... phải đóng cửa”; “đối xử với người nước ngoài trong thời dịch bệnh..”… Nhằm tuyên truyền, kích động người dân tẩy chay, không tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gần đây chúng còn tung ra cả những tài liệu “hướng dẫn điều trị, chữa trị bệnh Covid-19 tại nhà” rất vô lý và phi khoa học. Càng nguy hiểm hơn khi một số người thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm đã “té nước theo mưa” chia sẻ, phát tán những thông tin thất thiệt này.

Thực chất của chiêu trò kể một mặt là nhằm chia rẽ quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước; mặt khác gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, phá hoại nền kinh tế Việt Nam. Nhưng sâu xa hơn chúng muốn làm suy giảm lòng tin trong nhân dân, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lý, điều hành của Chính phủ Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh.

Hãy tỉnh táo để không tiếp tay cho kẻ xấu

Đã phải trải qua nhiều đau thương mất mát bởi các cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang, bởi thiên tai, dịch bệnh,... hơn ai hết dân tộc Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Để người dân được tận hưởng những thành quả của cách mạng, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Đảng, Nhà nước luôn nỗ lực hành động nhằm biến các cam kết ấy thành hiện thực để người dân được bảo đảm các quyền cơ bản của con người.  Trong mọi đường lối, chủ trương, chính sách Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Điều này càng được thể hiện rõ trong các chủ trương, quyết sách chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Để phòng, chống dịch một cách hiệu quả Chính phủ ta đã triển khai quyết liệt hàng loạt các chủ trương, biện pháp đầy chất nhân văn nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh, sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng và phát động toàn dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của các cấp, các ngành, các địa phương đã được triển khai tích cực, đạt những kết quả bước đầu rất quan trọng, được nhân dân ghi nhận, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Vì sức khỏe cộng đồng, vì tính mạng người dân Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn kịp thời biểu dương, khích lệ những tập thể, cá nhân tích cực vào cuộc chiến đấu với dịch bệnh. Đồng thời với những trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh như: đăng tải thông tin bịa đặt về tình hình dịch bệnh, không khai báo, khai báo gian dối, giấu bệnh và không tự giác cách ly và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh...  Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng sớm làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Đối với một số cán bộ chấp hành chưa nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh pháp luật không cấm việc bày tỏ thái độ, quan điểm của mỗi người. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng môi trường mạng cũng giống như môi trường sống hãy chung tay giữ cho môi trường ấy được trong lành, đáng sống chứ đừng làm cho nó vốn đã ô nhiễm lại càng ô nhiễm thêm. Đưa tin, viết bình luận, lên án với những việc làm sai trái vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh cần cái nhìn công tâm, khách quan và ứng xử có văn hóa, chớ nên dùng những câu từ chết chóc, miệt thị, xúc phạm danh dự, lòng tự trọng của cá nhân, tổ chức. Chúng ta không thiếu những bài học nhãn tiền chỉ vì những thông tin giả, thông tin xuyên tạc, những bình luận ác ý mà dẫn đến hủy hoại cuộc sống của một con người.

Đối với những bệnh nhân hoặc những người có nguy cơ nhiễm Covid-19 chấp hành chưa nghiêm các quy định về phòng, chống dịch xét ở góc độ trách nhiệm pháp lý các cơ quan chức năng sẽ xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định. Nhưng nhìn từ góc độ đạo lý họ cũng là con người với đầy đủ các cung bậc cảm xúc, cả mặt tích cực và mặt tiêu cực, cả cái tốt và cái xấu. Không ai nói trước được điều gì những người nhiễm hoặc nguy cơ nhiễm Covid-19 cũng có thể mắc những sai lầm. Sự việc đã xảy ra, dù bất kỳ với ai, ở địa vị nào, xin mọi người chớ vội suy diễn, phán xét trước khi mọi việc được cơ quan chức năng làm sáng tỏ.

Mặt khác, việc nào đi việc ấy, nếu ai đó vi phạm thì các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật về công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc bày tỏ thái độ, quan điểm, lên án là cần thiết nhưng mỗi người cần phải thấy rõ trách nhiệm tự thân, đừng từ chuyện phòng, chống dịch mà “bới bèo ra bọ”, “chuyện nọ xọ chuyện kia” đang nói chuyện này dịch bệnh thì lại nói lái sang câu chuyện sang hướng khác. Hãy dành thời gian suy diễn, võ đoán, ném đá, kết tội người khác cho những việc làm tốt đẹp, lành mạnh và có ích cho cuộc sống. Đừng vì một vài cá nhân vi phạm mà “vơ đũa cả nắm” cho rằng đội ngũ cán bộ, đảng viên xấu, bộ máy công quyền của ta yếu. Không nên lấy cái cá thể để quy kết các đại cục. Đừng lợi dụng việc phòng, chống dịch  bệnh Covid-19 để nói xấu Đảng và Nhà nước ta.

Mỗi người tham gia vào môi trường mạng hãy tỉnh táo, bằng kiến thức và hiểu biết để suy xét thận trọng, kỹ lưỡng trước những thông tin thấy được, đừng vì nhẹ dạ, cả tin hay những bức xúc nhất thời mà nghĩ xấu về Đảng, Nhà nước, về đội ngũ cán bộ, để rồi đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin bịa đặt, ác ý về công tác phòng, chống dịch bệnh. Những hành động như vậy chẳng những làm xói mòn niềm tin vào Đảng và chính quyền, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch mà còn làm hủy hoại cuộc sống của cá nhân và cộng đồng, tự biến mình thành kẻ tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

PHÙNG KIM LÂN/Báo điện tử Quân đội nhân dân

https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/thanh-tuu-nhan-quyen-viet-nam/canh-giac-truoc-nhung-chieu-tro-loi-dung-dich-covid-19-de-chong-pha-viet-nam-614524

 

Tệp đính kèm