Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, hiện tại người lao động đang gặp khó khăn, chính sách hỗ trợ cần thực hiện ngay, tránh lòng vòng.
Nói về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đối với người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là quyết định chưa từng có trong tiền lệ. Gói hỗ trợ đang thu hút sự quan tâm, kỳ vọng của đông đảo nhân dân trên cả nước.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, đến nay các địa phương đã có đầy đủ cơ sở pháp lý, căn cứ để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ. Trong những ngày tới, các bộ ngành liên quan sẽ tiếp tục có hướng dẫn bằng văn bản trong phạm vi thẩm quyền được phân công.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các địa phương cần bám sát nguyên tắc cơ bản của chính sách là tập trung hỗ trợ người lao động, người dân bị giảm sâu về thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống không được đảm bảo và một số đối tượng chính sách đã được quy định. Việc này cũng được thực hiện theo đúng tinh thần Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm.
Đặc biệt, người đứng đầu ngành Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, việc hỗ trợ cần đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách. "Tất cả các sai phạm sẽ được xử lý nghiêm minh. Chúng tôi không mong muốn có vấn đề gì xảy ra. Nhưng nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, tùy theo mức độ, thậm chí là xử lý hình sự", ông Dung nhấn mạnh.
Lý giải cụ thể về việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, khi thực hiện, có thể có những trường hợp một người thuộc nhiều diện được hưởng. Tuy nhiên các địa phương cần đảm bảo, mỗi đối tượng chỉ được hưởng một chính sách cao nhất. Trường hợp địa phương đã hỗ trợ trước đó, nếu mức hưởng thấp hơn mức của trung ương quy định sẽ được hưởng bù phần chênh lệch. Trường hợp mức hỗ trợ của địa phương cao hơn, sẽ không được hưởng hỗ trợ từ trung ương. Những người đang hưởng chính sách tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội không thuộc diện được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ từ Chính phủ.
"Bên cạnh quy định làm đúng, chúng ta cần làm minh bạch và làm nhanh, khẩn trưởng. Không để chính sách đi lòng vòng, không để trễ chính sách. Hiện nay rất nhiều người dân đang khao khát, mong chờ được hỗ trợ. Trong lúc người dân nghèo đang đói cần hỗ trợ ngay. Đây không phải trách nhiệm mà là mệnh lệnh từ trái tim.
Do đó, đề nghị việc triển khai theo quy định thẩm quyền quyết định của địa phương đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và chịu trách nhiệm toàn bộ trước Chính phủ", Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.
Bộ LĐ-TB-XH cũng khuyến khích việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, chuyển khoản qua ngân hàng. Trong tháng 4/2020 triển khai để hỗ trợ ngay những đối tượng đã có danh sách như hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công, người được hưởng bảo trợ xã hội. Song điều này không có nghĩa là các nhóm đối tượng được hỗ trợ khác chưa triển khai ngay.
"Lao động tự do là nhóm khó khăn nhất, đang rất cần được nhận hỗ trợ, nên cần thực hiện càng nhanh càng tốt. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích TP Hồ Chí Minh, Hà Nội thực hiện hỗ trợ lao động tự do trước ngày 30/4", ông Dung nhấn mạnh.
Về việc giám sát thực hiện rà soát, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các đơn vị phải thực hiện giám sát ngay từ đầu. Theo đó, cấp huyện, tỉnh, Trung ương giám sát theo chuyên đề, từng gói. Còn doanh nghiệp, công đoàn tham gia ngay từ đầu, do đó công đoàn phải xác nhận vào danh sách.
Bộ sẽ lập đường dây nóng, trang điện tử, 1 nhóm giải đáp những chính sách nhanh. Do đó, những vấn đề mà các địa phương vướng mắc sẽ được chuyển về bộ. Sau đó, chậm nhất ngày kia (27/4) bộ trả lời bằng văn bản các vướng mắc của địa phương.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Đây là gói hỗ trợ quan trọng dành cho người nghèo, nên đừng để "dê nhầm nhà, gà nhầm chuồng". Nếu cán bộ động đến tiền hỗ trợ này sẽ là nỗi nhục suốt đời"./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN