Phong tục và bản sắc là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của vùng đất xa xôi, đi lại khó khăn và thử thách này.
Điểm cực Bắc của Việt Nam thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Để tới nơi tận cùng ở phía Bắc phải trải qua một cung đường gần 200km từ thành phố Hà Giang qua các huyện Quản Bạ, Yên Minh, rồi tới Đồng Văn.
Cột cờ Lũng Cú nhìn từ bản Lô Lô Chải
Cuộc hành trình không quá gian nan nhưng cũng không đơn giản vì cung đường đi hơn 100km đường đèo, dốc, uốn lượn liên tục trên cao nguyên đá. Dù chọn phương tiện gì thì người lái xe phải có sự bình tĩnh, cẩn thận và kỹ năng điêu luyện.
Dốc chín khoanh – Phố Cáo – Đồng văn.
Cao nguyên đá hùng vĩ và những mùa hoa trên đá
Cứ 10 người tới cực Bắc, qua vùng cao nguyên đá thì tới 8, 9 muốn quay lại, để được ngắm, cảm và sống nhiều hơn. Lý do không chỉ vì nơi đây là điểm cực thiêng liêng, không chỉ vì vẻ thơ mộng, lãng mạn của những mùa hoa, mà quan trọng nhất là sự hùng vĩ, tráng lệ của khung cảnh.
Dòng sông Nho Quế nhìn từ trên cao.
Hiếm có nơi lại có địa hình đặc biệt và đẹp kỳ vĩ như Hà Giang. Cảm giác mạnh khi đi trên những cung đường quanh co, uống khúc, dốc, đèo, núi điệp trùng thực sự không thể nào quên với ai đã một lần tới vùng địa đầu này.
Trên vùng đất tưởng chỉ có núi, đèo, dốc, đá tai mèo lởm chởm và sự khắc nghiệt đến tàn khốc của thiên nhiên, vẫn gặp những mùa hoa rực rỡ, đẹp đến nao lòng. Suốt cả một cung đường dài, rộng từ Quản Bạ, qua Yên Minh đến Đồng Văn, Mèo Vạc, hoa nở rực rỡ.
Hoa đào trên cao nguyên đá mang nét đẹp riêng, vừa tươi tắn, đậm đà, vừa mạnh mẽ, cứng cáp, vừa hoang dại, đơn sơ.
Mùa xuân có lẽ là mùa đẹp nhất, lộng lẫy nhất của miền đất địa đầu Tổ quốc. Bất chấp cái giá lạnh của địa hình núi cao phía Bắc, đào khoe sắc rực rỡ, sắc trắng hoa mận tạo nên vẻ dịu dàng, nên thơ cho xuân miền cực Bắc, hoa cải vàng lung linh trong nắng xuân, hoa lê tinh tế như duyên ngầm ở miền đá nở hoa
Nhắc đến hoa trên cao nguyên đá, trên miền cực Bắc thì ai cũng nhớ ngay tới tam giác mạch. Tam giác mạch có thể trồng quanh năm nhưng đẹp và rực rỡ nhất là cuối thu. Tam giác mạch cũng có thể trồng ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh miền núi phía bắc nhưng không ở đâu có sắc hoa tam giác mạch hồng tươi, thậm chí ngả sang đỏ sẫm, đậm đà, tươi giòn như trên vùng cực Bắc.
Thu sang cũng là lúc cúc cam, một loài cúc dại nở rộ trên vùng cực Bắc tổ quốc. Với những người thích tĩnh lặng thì cúc cam mới là hoa thu của vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Nhiều người tới cao nguyên đá, tới cực Bắc chỉ vì tam giác mạch.
Bản sắc dân tộc miền sơn cước
Vùng cực Bắc là nơi sinh sống, cư ngụ của nhiều dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Thái, Lô Lô, Pà Thẻn, Nùng, Dáy, La Chí… nhưng chủ yếu là người Mông. Mỗi dân tộc lại có phong tục, lối sống, sinh hoạt, kiến trúc, trang phục… đặc thù.
Phong tục và bản sắc là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của vùng đất xa xôi, đi lại khó khăn và thử thách này. Những ngôi nhà, kiến trúc, lễ hội, ngày chợ phiên, hay đơn giản một bộ trang phục thôi cũng khiến ta xiêu lòng vì cái đẹp đời thường, mộc mạc mà chứa trong nó cả lịch sử, văn hóa một dân tộc, vùng đất.
Tường rào đá và nhà trình tường bên hoa xuân.
Những ngôi nhà trình tường, hàng rào đá bao quanh, mái ngói âm dương là những hình ảnh đem lại ấn tượng mạnh cho du khách khi đến với cao nguyên đá, vùng cực Bắc. Vật liệu sẵn có và việc tận dụng tối đa để tổ chức cuộc sống khiến vùng đất nổi tiếng cho ra những khuôn hình, khung cảnh mỹ lệ của sự nguyên sơ, thuần hậu.
Phong tục và bản sắc là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của vùng đất xa xôi, đi lại khó khăn và thử thách này.
Miền cực Bắc do địa hình, khí hậu rất khắc nghiệt nên cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây còn rất khó khăn. Dân cư làm nông nghiệp, chủ yếu sống bằng trồng trọt, chăn nuôi. Những khó khăn về vật liệu, kỹ thuật, tài chính và cả những bất tiện trong sinh hoạt khiến cho rất nhiều bản làng ở vùng cực Bắc này đã không còn giữ được khung cảnh, kiến trúc, cũng như lối sống truyền thống nữa.
Một góc chợ phiên Mèo Vạc.
Đến cao nguyên đá, vào nhiều bản khá xa bây giờ khó tìm được những góc rộng, chụp toàn cảnh một bản làng nguyên vẹn khung cảnh, kiến trúc truyền thống. Điều đó khiến nhiều du khách, các nhiếp ảnh gia rất buồn, tiếc nuối, có khi xót xa. Nhưng để giữ lại vẻ đẹp nguyên sơ, thuần khiết thì cần rất nhiều nỗ lực của người dân, nhất là chính quyền để vừa cải thiện đời sống, sinh hoạt, vừa giữ bản sắc, khung cảnh, phát triển du lịch bền vững. Bởi khi mất đi những khung cảnh, kiến trúc, nếp sống và bản sắc văn hóa dân tộc thì khi đó vùng cao nguyên đá tận cùng cực Bắc cũng mất đi nguồn thu lớn từ du lịch./.
Theo CTV Ngô Thanh Hải/VOV.VN