Các doanh nghiệp thủy sản đang thực hiện nhiều giải pháp giảm thiệt hại do dịch như: bố trí tài chính, nguồn lực hợp lý, cân đối lại thị trường.
Dịch Covid-19 lan nhanh trên toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến những thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới của Việt Nam như: Mỹ, Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Pháp… Chính sách cách ly người dân và giãn cách xã hội cũng như giao thông ngưng trệ khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thị trường của ngành thủy sản biến động mạnh, giá hầu hết thủy sản các loại đều bị sụt giảm.
Ngành thủy sản đang triển khai nhiều biện pháp khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý 1, ngành thủy sản không chỉ đối phó với dịch Covid-19 mà còn có hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long - nơi sản lượng thủy sản sản xuất, xuất khẩu chiếm tỷ trọng nhiều nhất. Ngành đã linh hoạt trong chỉ đạo và điều hành. Từ tháng 12/2019, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các địa phương về bố trí mùa vụ và các giải pháp để ứng phó, thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn.
Về tác động của dịch Covid-19 đối với các mặt hàng như: tôm hùm, ốc hương, cá song, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn kỹ thuật cho bà con giảm mật độ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nuôi phù hợp nhằm giảm giá thành nhưng vẫn duy trì chất lượng sản phẩm để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Tổng cục sẽ tiếp tục thông tin về thị trường, nắm bắt để cân đối cung cầu và khả năng cung ứng của Việt Nam. Để giúp các địa phương tổ chức sản, xuất theo kế hoạch của lãnh đạo bộ ngay khi thông báo giãn cách xã hội chấm dứt, Bộ sẽ tổ chức hội nghị với các các địa phương. Trước mắt tập trung vào những đối tượng chủ lực là hội nghị về phát triển tôm, ngành hàng cá tra, phát triển ngành hàng khai thác nhằm mục tiêu giữa Bộ và các địa phương nhằm có phương án sản xuất tốt nhất để bà con ngư dân phục hồi sản xuất và tận dụng được thị trường trong nước và xuất khẩu”.
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành thủy sản vẫn có những cơ hội về thị trường. Cụ thể, ngành cá tra có thể tận dụng thời cơ các loại cá thịt trắng khác đang tăng giá mạnh, khiến cho các nhà máy chế biến của Liên minh Châu Âu (EU) có thể sẽ cân nhắc thay thế một phần bằng cá tra, nhất là khi thuế nhập khẩu cá tra từ Việt Nam vào EU giảm từ 5% xuống 0% nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA)./.
Theo Minh Long/VOV1