Từ đợt chuyển vị đầu tiên, 3 năm qua, gần 2.000 trứng rùa đã được ấp nở ra hơn 1.700 chú rùa và thả về đại dương ở Cù lao Chàm trong niềm vui khôn xiết của các chuyên gia và người dân nơi đây.
Những chú rùa con được ấp nở thành công ở Cù lao Chàm đang trở về biển. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Nhiều năm vắng bóng, bỗng một ngày hàng trăm chú rùa từng tốp theo nhau bơi ra giữa đại dương bao la. Để có được kỳ tích ấy, suốt 3 năm qua các chuyên gia Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm đã nỗ lực hết mình với mong muốn bảo tồn loài rùa biển đang nguy cấp cũng như bảo vệ môi trường, hệ sinh thái nơi đây.
Những ngày đầu tháng 8 năm ngoái thực sự khó quên đối với các thành viên BQL KBTB Cù lao Chàm khi những chú rùa cuối cùng của đợt chuyển vị trứng rùa từ Côn Đảo về Cù lao được ấp nở và thả về đại dương.
Nhớ lại hành trình gian nan, anh Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc BQL KBTB Cù lao Chàm cho biết: Ý tưởng phục hồi môi trường và bảo tồn loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” được BQL “thai nghén” từ năm 2016.
Mất một thời gian để hoàn thiện hồ sơ báo cáo tỉnh, sau đó trình Bộ NN&PTNT phê duyệt đến đầu tháng 8/2017, Thạc sĩ Lê Xuân Ái, cố vấn kỹ thuật BQL KBBT Cù lao Chàm, và anh Nguyễn Văn Vũ dẫn đầu nhóm kỹ thuật của BQL KBTB đã đi từ Quảng Nam vào Côn Đảo để học mọi công đoạn từ ấp trứng, chăm sóc rùa và thực hiện cuộc chuyển vị trứng rùa lịch sử.
“Đó là cuộc chuyển vị đầy thử thách. Bản thân chúng tôi sẽ chẳng bao giờ quên được những gian nan, lo lắng trên hành trình này", anh Vũ cho biết.
Đợt vận chuyển đầu tiên vào cuối tháng 8/2017 với số lượng 450 trứng đã được ấp tại Côn Đảo khoảng 40 ngày.
Không chỉ là những khó khăn về thủ tục vì rùa biển thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo pháp luật mà phương án làm sao để trứng rùa được an toàn trên suốt hành trình gần ngàn cây số cũng khiến mọi người lo lắng.
Hai phương án vận chuyển được thực hiện, một nhóm đi bằng đường hàng không theo lộ trình Côn Đảo-TPHCM-Đà Nẵng; một nhóm đi tàu cao tốc từ Côn Đảo về Vũng Tàu và vận chuyển bằng ô tô về Hội An. Trứng rùa được giữ gìn, ôm ấp, bảo vệ đúng nghĩa “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.
Khi về đến Cù lao Chàm, trứng được đưa vào khu ấp trên bãi Bấc, các thành viên BQL KBTB và nhóm tình nguyện viên rùa biển ngày ngày chia nhau túc trực 24/24 giờ tại các khu ấp trứng để quan sát, canh đo nhiệt độ trong lòng ổ ấp trứng để kịp thời có các biện pháp xử lý tương thích với đặc điểm tự nhiên, sinh thái môi trường vùng Côn Đảo.
Khoảnh khắc vui mừng thả rùa biển ra đại dương. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Và như để đền đáp những nỗ lực của tất cả, giữa tháng 9/2017, 90% trứng rùa nở trong niềm vui khôn xiết của những người làm công tác bảo tồn và cư dân trên hòn đảo nhỏ, xinh đẹp này. Tỉ lệ này đã minh chứng tính khả thi của dự án bảo tồn chuyển vị rùa biển ở cự ly xa.
Từ đợt chuyển vị đầu tiên, 3 năm qua, gần 2.000 trứng rùa đã được ấp nở ra hơn 1.700 chú rùa và được thả về đại dương ở Cù lao Chàm (TP. Hội An, Quảng Nam). Từ những thành công này, ai cũng nuôi hy vọng mấy chục năm sau, những chú rùa kia trưởng thành sẽ trở về sinh sản những thế hệ tiếp nối tại nơi chúng ra đi.
Thạc sĩ Lê Xuân Ái, cố vấn kỹ thuật BQL KBBT Cù lao Chàm, nguyên là Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo chia sẻ: “Muốn rùa sinh sôi phải thuận theo tự nhiên, cứ để rùa vùng vẫy ngoài biển cả bao la. Phải ưu tiên dành những bãi cát xa khu dân cư, du khách không lui tới để rùa mẹ có thể lên bờ sinh sản".
“Rùa biển là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái biển. Ở đâu xuất hiện rùa biển thì ở đó môi trường trong lành. Thả rùa non về biển chỉ là một phần, quan trọng nhất của dự án là chúng tôi muốn thấy rùa quay trở về đảo Cù lao Chàm để đẻ trứng và rùa non nở trong an toàn, yên tĩnh. Chỉ khi làm được như thế, những nỗ lực và công sức của chúng tôi mới thực sự có kết quả”, anh Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc BQL KBTB Cù lao Chàm cho biết.
Theo Lưu Hương/baochinhphu.vn