Cập nhật: 04/05/2020 10:54:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với dự đoán Covid-19 sẽ là cuộc chiến dài hơi, giới chuyên gia y tế cảnh báo, không nên lơ là và chủ quan trước nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác.

Những tháng đầu năm 2020, thế giới gần như tê liệt trước một đại dịch được đánh giá là “chưa từng có”. Với dự đoán Covid-19 sẽ là một cuộc chiến dài hơi, giới chuyên gia y tế  cảnh báo, các nước không nên lơ là và chủ quan trước nhiều dịch bệnh thầm lặng và nguy hiểm khác đang có nguy cơ hồi sinh.

Con đường vắng vẻ vì lệnh phong tỏa do dịch Covid-19 ở Moscow, Nga, ngày 15/4. (Nguồn: Getty).

Cùng với các thông tin về dịch Covid-19 tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, vẫn có những báo cáo đáng lo ngại về các dịch bệnh khác với những diễn biến nghiêm trọng. Tổng số ca mắc sốt xuất huyết tại Singapore mới đây ở mức hơn 6.000 người, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng dự đoán, số người tử vong do sốt rét tại khu vực Hạ Sahara châu Phi năm nay có thể gia tăng gấp đôi, lên tới 769 nghìn người. Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới Matshidiso Moeti hối thúc các nước cần đảm bảo đủ các nguồn lực cần thiết để ngăn chặn sự bùng phát dịch sốt rét.

“Cùng với các đối tác chúng tôi đang nghiên cứu các tác động của dịch Covid-19 đối với cuộc chiến chống sốt rét. Nếu các hoạt động phân phát màn chống muỗi bị giảm và khả năng đối phó với bệnh dịch giảm, tỉ lệ tử vong do sốt rét ở khu vực Hạ châu Phi  Sahara có thể tăng gấp đôi so với năm 2018. Khu vực sẽ chứng kiến số người chết cao nhất kể từ năm 2000”, ông Matshidiso Moeti nói.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, áp lực lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe do đại dịch Covid-19 có thể khiến tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nhiễm những bệnh khác gia tăng. Theo đó, số ca tử vong liên quan đến căn bệnh HIV tăng 10%, bệnh lao là 20% và bệnh sốt rét là 36% trong vòng 5 năm tới.

Sốt xuất huyết hoành hành tại một số quốc gia. Ảnh: Internet.

Dịch Covid-19 không chỉ làm giảm ý nghĩa của một trong những câu chuyện thành công nhất là tiêm chủng phòng bệnh mà còn khiến cộng đồng quốc tế không hoàn thành “Thập niên vaccine”. Ít nhất 14 chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh bại liệt, sởi, dịch tả, sốt vàng da và viêm màng não ở nhiều nơi trên thế giới đã phải tạm dừng hoặc hoãn lại do Covid-19. Bên cạnh đó, các biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới làm gián đoạn nguồn cung vaccine, khiến ít nhất 21 nước có thu nhập thấp và trung bình đã thông báo cạn kiệt vaccine.

Người phát ngôn của Qũy Nhi đồng Liên Hợp Quốc Marixie Mercado cảnh báo: “Tính đến ngày mùng 1/5, hàng chục nước trên thế giới đang đối mặt với cạn kiệt dự trữ vaccine do các chuyến hàng bị hoãn. Trong đó có ít nhất 5 nước đã trải qua một đợt bùng phát dịch sởi năm 2019 và thêm nhiều nước đang đối mặt với các đợt dịch tương tự. Các nước với nguồn lực giới hạn sẽ gặp khó khăn khi phải mua vaccine với giá cao hơn, trẻ em cũng sẽ đối mặt với thiếu vaccine sởi và bại liệt”.

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, các chiến dịch tiêm chủng dự kiến diễn ra vào cuối năm 2020 tại ít nhất 13 quốc gia cũng có thể không được triển khai. Điều đó đồng nghĩa với hơn 117 triệu trẻ em sẽ không được vaccine bảo vệ khỏi bệnh sởi. Theo thống kê của WHO, mỗi năm vaccine cứu được sinh mạng của 2-3 triệu người. Nếu con người không được vaccine bảo vệ, các bệnh như sởi, tả, viêm màng não, sốt vàng da và bại liệt có thể bùng phát thành dịch. Sẽ rất nguy hiểm, không chỉ đối với người nhiễm bệnh, mà với cả hệ thống y tế, vốn đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19.

Khống chế dịch Covid-19 rõ ràng là nhiệm vụ cần được ưu tiên vào lúc này, nhưng cũng không vì thế mà “lãng quên” nhiều dịch bệnh khác nguy hiểm khác. “Di sản” của Covid-19 không được phép bao gồm cả việc “hồi sinh” trên toàn cầu những căn bệnh gây chết người như bệnh sởi, vốn hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vaccine./.

Theo Phạm Hà/VOV (Tổng hợp)

Tệp đính kèm