Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII được kỳ vọng sẽ mở ra những chân trời mới để thúc đẩy cải cách thể chế đưa đất nước vượt lên, xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập trên nền tảng tư tưởng kinh tế của Bác Hồ, phù hợp xu thế thời đại và yêu cầu của giai đoạn mới.
Bác Hồ thăm Nhà máy Thiếc Tĩnh Túc ở Cao Bằng năm 1958. (Ảnh: TTXVN)
Đó là nhận định của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề xây dựng một đất nước hùng cường nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).
Khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường
Chỉ ba ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong bức thư gửi các em học sinh, nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới, ngày 05/9/1945, Bác Hồ đã nói về khát vọng xây dựng Đất nước Hùng cường. Bác viết: "Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu". Có thể coi đây là bản Tuyên ngôn về Đất nước Hùng cường sau bản Tuyên ngôn Độc lập. Độc lập - Hùng cường là những giá trị cốt lõi của sự nghiệp cách mạng ở nước ta.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, việc chọn thời điểm đúng vào ngày khai trường đầu tiên, chọn đối tượng là các em học sinh – chủ nhân tương lai của Đất nước để truyền đi thông điệp và gửi gắm niềm tin về xây dựng đất nước hùng cường, thì có lẽ không có sự lựa chọn nào thích hợp hơn. Vì như Bác thường nói: “Vì lợi ích trăm năm phải trồng người” và xây dựng đất nước hùng cường là sự nghiệp của trăm năm. Để xây dựng đất nước hùng cường thì nhiệm vụ xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Bác bảo “thực túc thì binh cường” và “tăng gia sản xuất là cái thiết thực nhất của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Để tăng gia sản xuất, Bác bảo có bốn điều cần coi trọng. Một là, “công - tư đều lợi” và Bác chủ trương xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần để kết hợp công – tư, những “lực lượng cần thiết” cho kiến thiết kinh tế nước nhà, nhưng phải phù hợp sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia. Hai là, “chủ - thợ đều lợi”. Đây chính là quan điểm xây dựng quan hệ lao động hài hòa mà chúng ta đang nỗ lực thực hiện. Ba là, “công - nông giúp nhau” qua phát triển thương nghiệp làm sợi dây đoàn kết “liên minh công nông”. Bốn là, “lưu thông trong - ngoài” là mở cửa, hội nhập quốc tế.
Những nội dung cơ bản của mô hình kinh tế tổng quát đó đã được Bác nói rất rõ trong tác phẩm “Thường thức chính trị” được xuất bản vào năm 1953. Mô hình này là tương đồng với “Chính sách kinh tế mới” của Lênin (NEP) được áp dụng ở nước Nga Xô Viết (trong những năm 1921 - 1929). Bác chủ trương thực hiện mô hình nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam khi mà ở nước Nga chính sách này đã chính thức bị xoá bỏ, sau khi Lê Nin qua đời. Điều này càng cho thấy tư duy độc lập, rất sáng tạo, rất thực tiễn và rất Việt Nam của Bác. Trước đó, chủ trương thực hiện chính sách “Tân kinh tế” của Lê Nin đã được Bác Hồ nêu ra từ năm 1925, trong điều lệ của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay). Trong văn kiện lịch sử này, Bác viết: “Sau này chúng ta sẽ thành lập Chính phủ Nhân dân và áp dụng nguyên tắc Tân kinh tế”. Thành lập Chính phủ Nhân dân là thực thi nền Dân chủ, áp dụng nguyên tắc Tân kinh tế là chủ trương xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Đó là hai trụ cột của chế độ mới.
Có thể nói rằng công cuộc Đổi mới kinh tế ở Việt Nam, khởi đầu từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (năm 1986) chính là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đầu thế kỷ 20, về nền kinh tế nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa.
Chủ trương xuyên suốt về hội nhập kinh tế quốc tế
Mở cửa, hội nhập trên cơ sở bảo đảm chủ quyền dân tộc cũng là chủ trương xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng nền kinh tế hùng cường. Sau khi đánh đuổi thực dân Pháp giành lại nền độc lập cho dân tộc, từ năm 1945, Bác Hồ đã chủ trương trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư Pháp vào Việt Nam. Bác bảo “chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác. Chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp cũng như Mỹ, Nga hay Tàu đến đây giúp việc cho chúng ta trong công cuộc kiến thiết quốc gia. Nhưng điều kiện chính là họ phải thừa nhận nền độc lập của xứ này”.
Những quan điểm tương tự, cũng được Bác nêu rõ trong Lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc giai đoạn 1945 - 1946. Trong văn kiện này, Bác viết: Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực, dành thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kĩ thuật nước ngoài trong tất cả các lĩnh vực công nghệ. Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự buôn bán và quá cảnh quốc tế. Việt Nam sẽ tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, đó là những chủ trương dẫn dắt cho công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta suốt trong những năm qua. Chúng ta đã sớm gia nhập WTO, đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, đã tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chúng ta đã chủ động tham gia có trách nhiệm vào các tổ chức quốc tế. Việt Nam là mô hình thành công trong hội nhập. Vị thế uy tín quốc tế của chúng ta ngày càng cao.
Vai trò kiến tạo của Nhà nước và vai trò chủ thể của doanh nghiệp
Một trong những điểm đặc sắc khác trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng về vai trò kiến tạo của Nhà nước và vai trò chủ thể của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế.
TS Vũ Tiến Lộc phân tích, quan điểm về nhà nước kiến tạo cũng được Bác định hình từ rất sớm và rõ ràng. Bác bảo: “không phải Chính phủ xuất tiền ra để làm (kinh doanh) Chính phủ chỉ giúp khuyến khích và cổ động”. Bác khẳng định, Chính phủ đóng vai trò tạo môi trường, làm chính sách, làm thế chế còn sự nghiệp kinh tế là sự nghiệp cách mạng của toàn dân. Với những tư tưởng vượt thời gian như vậy, có thể khẳng định rằng, Bác Hồ không chỉ là nhà yêu nước, nhà cách mạng mà còn là nhà kinh tế học về kinh tế thị trường. Bác bảo: “muốn đất nước giầu mạnh, nhân dân ấm no thì phải luôn sắp xếp để có thật nhiều người sản xuất trực tiếp”, tức là phải chăm lo phát triển doanh nghiệp để tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Hơn thế, quan điểm chỉ đạo công cuộc cải cách thể chế và thủ tục hành chính của Bác vẫn đang còn nóng hổi cho đến ngày hôm nay. Phàn nàn về bệnh hành chính quan liêu, Bác bảo: “số người làm việc giấy tờ và những việc linh tinh ở một số cơ quan trong bộ máy nhà nước còn quá nhiều” và “ở một số cơ quan còn quá nhiều cửa ải !”. Người nói: "Thật ra, cái làm vướng chân họ nhất lại chính là tư tưởng bảo thủ, rụt rè của họ. Cho nên, muốn tiến nhanh, thì trước hết phải phát quang những dây ràng buộc ấy".
Mới chỉ điểm lại mấy lời Bác dạy, chúng ta đã thấy tầm tư tưởng vượt thời gian của Bác về khát vọng Đất nước Hùng cường, về kinh tế thị trường, và vai trò và sứ mệnh của doanh nghiệp, doanh nhân, về yêu cầu cải cách thể chế và phát triển. Đó là ngọn đuốc soi đường, là niềm tin mãnh liệt, là điểm tựa vững chắc của Đảng ta, của Nhân dân ta trên chặng đường đi tới vì một Việt Nam Nước mạnh Dân giàu.
Thế giới sau đại dịch COVID-19 đang được định hình, các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được sắp xếp lại, các dòng chảy thương mại – đầu tư quốc tế sẽ đảo chiều, Việt Nam lại một lần nữa đứng trước cơ hội có thể “hoá rồng”, “hoá hổ”. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đang được kỳ vọng sẽ mở ra những chân trời mới để thúc đẩy cải cách thể chế đưa đất nước vượt lên, xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập trên nền tảng tư tưởng kinh tế của Bác Hồ, phù hợp xu thế thời đại và yêu cầu của giai đoạn mới.
Cuối cùng, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, Bác Hồ nói: “phải yêu nước thương dân” và chúng ta hiểu rằng, cách thương dân thiết thực nhất là lo được việc làm đàng hoàng, đầy đủ cho người dân. Và người tạo được nhiều việc làm đàng hoàng cho người dân nhất là người yêu nước nhất. Doanh nhân Việt Nam nguyện “đi theo ánh lửa từ trái tim mình” để làm theo lời Bác, xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” trên trận tuyến kinh tế, xây dựng “nền kinh tế quốc dân thịnh vượng” góp phần đưa Dân tộc Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Bác Hồ./.
Theo Minh Phương/dangcongsan.vn