Dù hoạt động khai thác hải sản gặp một số trở ngại, nhưng ngư dân Bình Thuận vẫn tiếp nối truyền thống cha ông để bám biển.
Với gần 7.000 tàu thuyền đang hoạt động, trong đó hơn 1.000 phương tiện có công suất từ 300 CV trở lên được trang bị hiện đại, ngư dân Bình Thuận có truyền thống nhiều đời làm giàu từ vùng biển Trường Sa của Tổ quốc. Ít năm trở lại đây, dù hoạt động khai thác hải sản gặp một số trở ngại, thế nhưng nhiều lớp ngư phủ vẫn tiếp nối truyền thống cha ông để bám biển.
Ngư dân Lê Văn Bông kể về những lần va chạm với tàu nước ngoài.
Lão ngư 30 năm gắn bó với Trường Sa
Có hơn 30 năm tuổi nghề đi biển, là chừng ấy năm ông Trương Văn Toàn – phường Bình Hưng, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận gắn bó đời mình với quần đảo Trường Sa. Nửa đời người bám biển mang lại cho ông đầy đủ trải nghiệm thăng trầm của cuộc đời ngư phủ. Ông là một trong nhóm gần 10 chủ tàu của TP Phan Thiết thường xuyên khai thác ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa.
Chiếc tàu 380 CV do chính ông cầm lái thường liên kết với một chiếc tàu 350 CV hành nghề vây rút chì do một “bổn đạo” ("bổn đạo" là một hình thức liên kết tự nguyện của những thuyền cùng nghề khai thác, đánh bắt cùng vùng biển, hợp tính nết nhau) thường xuyên bám trụ tại vùng biển Trường Sa. Trong số gần 50 bạn thuyền đánh bắt cùng ông Trương Văn Toàn thì có hơn nửa là gắn bó với ông hai mươi mấy năm nay.
Trong những lần đánh bắt đó, đọng lại trong ông nhiều kỷ niệm nhất là những lần đụng độ với tàu nước ngoài, hay những lần đối mặt với sóng dữ, những cơn bão lớn.
Tàu cá của ngư dân Bình Thuận đánh bắt gần nhà giàn DK1.
Ông Toàn nhớ lại: Đầu năm 2019, vào đúng ngày 1/1, khi ông và các bạn thuyền vừa cho tàu ra khu vực nhà giàn DK1 thì gặp ngay cơn bão đầu tiên của năm. Để đảm bảo an toàn, tàu phải thả xuống biển 1.000 cây đá cùng nhiều thùng nước ngọt. Khi tàu Cảnh sát biển Việt Nam hay tin chạy tới ứng cứu, ông Toàn yêu cầu mọi người bỏ hết tài sản trên tàu để lên tàu Cảnh sát biển nhằm đảm bảo tính mạng. Tuy nhiên, nhờ nắm kỹ dự báo thời tiết, tàu Cảnh sát biển khuyên ông Toàn và các bạn thuyền cứ ở lại trên tàu, đợi đến trưa theo dõi tình hình như thế nào. Quả thật, sau đó, gió bão thổi dịu hơn, và mọi người trên tàu ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Riêng ông Toàn vui hơn cả vì có thể giữ lại tài sản lớn nhất là chiếc tàu gần 5 tỉ đồng.
Kể về những chuyến biển đụng tàu nước ngoài, ông Toàn cho biết, vài lần đang khai thác ở bãi ngầm Phúc Nguyên (gần nhà giàn DK1) thì gặp tàu lạ. Ông bình tĩnh gọi báo lực lượng chức năng, rồi liên lạc với các tàu chung nhóm để đảm bảo an toàn.
Đầu tư trang thiết bị hiện đại, bám trụ trên ngư trường hợp pháp
Để nâng cao hiệu quả đánh bắt và đặc biệt là bảo vệ nhau trong các tình huống thì các tàu đi chung nhóm với nhau trong từng Tổ, Đội liên kết. Ra tới gần các đảo, các tàu từ các tỉnh, thành khác nhau liên kết lại thành một nhóm lớn để vừa khai thác, vừa bảo vệ nhau. Mỗi khoảnh khắc tàu vừa rời bến là các bạn thuyền lại xôm tụ với nhau như người một nhà.
Gia đình ngư dân Lê Văn Bông, phường Đức Long, TP Phan Thiết có truyền thống 5 đời bám biển, đến đời ông là đời thứ 4 nối nghiệp tổ tiên. Trong số 9 người anh em trai của ông Bông thì có đến 6 người trực tiếp bám biển trên 5 con tàu. Dù thời gian khai thác ở ngư trường Trường Sa không nhiều bằng một số ngư dân khác trong tỉnh nhưng nhờ biết cải tiến phương thức sản xuất nên các anh em của ông nhanh chóng phát triển kinh tế từ biển.
Ngư dân Trương Văn Toàn (bên trái- hàng ngồi) trong lần gặp mặt giữa chính quyền với các chủ phương tiện khai thác xa bờ ở Bình Thuận.
11 năm trước, các anh em ông Bông quyết định nâng cấp tàu chuyển đổi công năng từ đánh bắt tuyến lộng sang tuyến khơi, riêng ông nâng cấp tàu 700 CV... trang bị nhiều thiết bị hiện đại như máy dò ngang, thiết bị giám sát hành trình, bộ đàm tầm xa VX1700 hay máy lọc nước biển thành nước ngọt… Nhờ đó, đội tàu của ông vươn ra đánh bắt ở các ngư trường như quần đảo Trường Sa, khu vực nhà giàn, các bãi cạn… đạt hiệu quả cao.
Ông Bông cho biết, nhiều năm trước, việc khai thác tại các vùng biển khơi rất thoải mái, ít bị va chạm. Tuy nhiên 3, 4 năm trở lại đây, thỉnh thoảng ông và các bạn thuyền bắt gặp các tàu lạ xuất hiện quanh khu vực này. Nhờ được thông tin trước, tàu cá của ông vẫn bình tĩnh đánh bắt trên phạm vi ranh giới biển hợp pháp.
Tiếp bước truyền thống cha ông, các ngư dân trẻ cũng chấp nhận thiệt thòi, xa vợ xa con để vươn khơi trên những chuyến biển dài ngày.
Tuy còn những vất vả khó khăn, nhưng vượt lên trên tất cả, những con tàu Bình Thuận vẫn ngày đêm vươn khơi bám biển. Các con tàu nườm nượp ra khơi vào lộng vừa thúc đẩy khai thác hải sản vừa là hình ảnh khẳng định bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương./.
Theo CTV Văn Thuận/VOV-TPHCM