Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, Đại học California Berkeley và Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ) đã chế tạo thành công mắt nhân tạo sinh học với chức năng gần giống mắt người.
Hình ảnh mô phỏng mắt sinh học
Mắt sinh học này có tên là EC-EYE với cấu tạo gồm võng mạc nhân tạo 3D và dây nano có khả năng mô phỏng thông tin thị giác truyền đến não người.
Theo báo cáo, mắt sinh học dùng lớp màng làm từ nhôm và vonfram để bắt chước võng mạc, biến ánh sáng thành hình ảnh nhờ nhiều cảm biến vô cùng nhỏ có vai trò là tế bào cảm quang.
Mắt nhân tạo có thể phát hiện phạm vi các cường độ ánh sáng khác nhau và có độ nhạy sáng gần giống như mắt người. Thậm chí, tốc độ phản ứng của nó trước những thay đổi về cường độ ánh sáng còn nhanh hơn mắt người.
Bên cạnh đó, trên lý thuyết, nó có khả năng tạo ra hình ảnh có độ phân giải rất cao. Tuy nhiên, với mô hình hiện tại chỉ gồm các dây nano được nối với nhau thành các nhóm gồm 3 hoặc 4 dây, nhãn cầu có độ phân giải chỉ 10x10 pixel, kém xa mắt người. Để mắt nhân tạo tiến đến độ phân giải cao như mắt thật sẽ cần hệ thống hàng triệu dây thần kinh với kích thước rất nhỏ nối với võng mạc.
Phiên bản hiện tại của mắt cần nguồn năng lượng từ bên ngoài, nhưng nhóm nghiên cứu dự định sẽ thêm các sợi dây nano hoạt động như một pin mặt trời, cung cấp nguồn cho mắt.
Các nhà nghiên cứu công trình này cho rằng nếu mọi việc thuận lợi, công nghệ mới sẽ có khả năng được ứng dụng trong vòng 5 năm tới. Trước mắt, các nhà nghiên cứu có kế hoạch cấy thử mắt sinh học lên động vật và hoàn thiện dần trước khi ứng dụng rộng rãi. Nghiên cứu mới đem lại hy vọng khôi phục thị lực cho khoảng 285 triệu người khiếm thị hoặc mất một phần thị lực trên thế giới. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng sẽ thử nghiệm mắt sinh học trên robot với hàng loạt ứng dụng tiềm năng.
Theo chinhphu.vn