Bất chấp Washington tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ, ngừng tài trợ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lãnh đạo tổ chức này vẫn kêu gọi Mỹ hỗ trợ các nước Mỹ Latinh đối phó dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Mỹ, bà Carissa Etienne (Ảnh: Reuters)
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Mỹ, bà Carissa Etienne, ngày 2/6 kêu gọi Mỹ hỗ trợ các nước ở khu vực này đối phó với đại dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh. Theo bà Carissa Etienne, hiện châu Mỹ Latinh đã ghi nhận khoảng 3 triệu ca mắc Covid-19. Dịch bệnh bùng phát mạnh đang gây sức ép lớn khiến hệ thống bệnh viện của một số quốc gia tại khu vực này đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Theo bà Etienne, Mỹ là nước tài trợ lớn cho WHO ở khu vực Mỹ Latinh (PAHO), chiếm tới 60% các khoản hỗ trợ tài chính cho PAHO. “Mỹ từ lâu đã là nhà tài trợ lớn nhất của PAHO và cũng là đối tác quan trọng của chúng tôi”, quan chức WHO nói.
Bà kêu gọi Mỹ hỗ trợ các nước ở Mỹ Latinh đối phó với đại dịch Covid-19 hiện nay bất chấp việc Tổng thống Donald Trump trước đó tuyên bố sẽ cắt đứt hoàn toàn quan hệ và ngừng tài trợ cho WHO.
Kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và WHO căng thẳng sau khi Washington cáo buộc tổ chức này chậm trễ đối phó đại dịch Covid-19 và “thiên vị” Trung Quốc. Lãnh đạo WHO đã bác bỏ các cáo buộc và kêu gọi Mỹ tiếp tục hợp tác để hỗ trợ y tế toàn cầu.
Dịch Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái. Theo WHO, tâm dịch hiện đã chuyển sang các nước ở khu vực Mỹ Latinh. Số người mắc và tử vong Covid-19 tại Mỹ Latinh tăng nhanh, đặc biệt tại các điểm nóng như Brazil, Peru, Mexico, Ecuador.
Một xác chết trên đường phố Ecuador (Ảnh: Getty)
Tính đến hết ngày 2/6, Brazil ghi nhận gần 560.000 người mắc Covid-19, trong đó hơn 31.000 người đã tử vong. Brazil hiện là tâm dịch lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ với gần 1,9 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 108.000 ca tử vong. Bất chấp tình trạng này, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tiếp tục khuyến khích các bang dỡ phỏng tỏa, mở cửa kinh tế trở lại. Tuy nhiên, PAHO khuyến cáo, các chính phủ khu vực Mỹ Latinh không nên vội vàng mở cửa kinh tế bởi điều này có thể kéo theo làn sóng lây nhiễm thứ 2 của Covid-19.
Theo Minh Phương/dantri.com.vn