Cập nhật: 08/06/2020 09:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vừa đặt chân đến đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), được nghe những giọng đọc "ê, a" rất đỗi thân thương của các cháu nhỏ trong ngôi trường nhỏ Hoa Phong Ba giúp chúng tôi phần nào vơi đi những mệt nhọc sau hành trình gần 20 hải lý. Dịp trở lại Cồn Cỏ lần này, ai ai cũng vui mừng trước sự đổi thay về điều kiện dạy và học của cô, trò trên đảo.

Dẫn chúng tôi đến thăm ngôi trường nhỏ Hoa Phong Ba, ông Cao Hồng Hải - Phó Chủ tịch HĐND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết, thay vì phải học trong ngôi trường chật chội, xuống cấp thì nay cô và trò trường Hoa Phong Ba được chuyển về ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp hơn. Đây là công trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tặng cuối năm 2015. Từ ngày hoàn thành và đưa vào sử dụng, cô và trò được dạy, học tập trong điều kiện tốt hơn trước rất nhiều.

Bằng tình yêu nghề, yêu trẻ các cô giáo ngôi trường nhỏ Hoa Phong Ba đã không quản khó khăn, gác lại lợi ích riêng tận tâm với công việc “ươm mầm” nơi đảo xa.

Trường hiện có 2 giáo viên đứng lớp, với 12 cháu theo học. Bước vào lớp học, chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp, tình cảm sâu nặng giữa cô và trò. Bằng tất cả tấm lòng, các cô giáo uốn nắn cho các cháu từng nét chữ, hướng dẫn các cháu tập vẽ như những người mẹ hiền. Cô giáo Nguyễn Thị Thắm, người đã có thâm niên hơn 10 năm dạy học tại đảo Cồn Cỏ cho biết: “Các cháu đều nằm trong độ tuổi từ 1 đến 5 nên phải học ghép như vậy. Chị em chúng tôi thay phiên nhau vừa dạy học vừa chăm sóc cho các cháu”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, cô Thắm chia sẻ, những ngày mới ra đảo, với những người phụ nữ như chị thực sự là thử thách lớn lao. Điều kiện vật chất, trường lớp, nơi ở còn nhiều khó khăn, cảnh vật thì hoang sơ lắm nhưng cũng dần thích nghi được để đứng vững, dạy học đến ngày nay. Chị luôn tâm niệm, dạy học ở đâu cũng vậy, dù ở đất liền hay đảo cũng là trên mảnh đất quê hương. Giờ thì mọi thứ đã ổn định, điều kiện dạy học cũng tốt hơn nhiều, khiến chị cảm thấy thật vui và hạnh phúc nhiều hơn với công việc mình đã chọn lựa.

Cũng với hơn 10 năm tình nguyện “vượt sóng” ra dạy học trên đảo, cô Hoàng Thị Hiếu tâm sự: “Mặc dù cuộc sống trên đảo còn nhiều khó khăn, chồng và các con ở xa (TX Quảng Trị), nhưng vì trót nặng tình với các cháu nhỏ nơi đây nên tôi xác định không thể xa đảo, xa các cháu”. Trong câu chuyện với cô Hoàng Thị Hiếu, chúng tôi được biết, năm 2007, tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, cô Hiếu đã tình nguyện ra đảo dạy học. Và cứ một tháng nếu biển không động, cô lại khăn gói theo tàu vào đất liền thăm gia đình một lần. Nhiều năm tham gia dạy học trên đảo, niềm vui của các cô là được thấy các cháu chăm ngoan, khôn lớn từng ngày. Điểm tương đồng giữa hai cô giáo chính là tình yêu trẻ tha thiết, mong muốn truyền thụ cho các cháu tình yêu đối với con chữ, những kỷ năng cơ bản để khi bước vào đời các em có thể vươn xa hơn, lớn lên sẽ đem kiến thức học được để góp phần xây dựng quê hương.

Mặc dù điều kiện trường lớp đã tốt hơn nhiều, nhưng so với đất liền thì vẫn còn nhiều khó khăn nhất định. Động lực giúp các cô vững tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ ngoài tình yêu, sự hồn nhiên của các trẻ còn có niềm động viên từ gia đình của mình. Bằng tình yêu nghề, yêu trẻ các cô đã không quản khó khăn, gác lại lợi ích riêng tận tâm với công việc “ươm mầm” nơi đảo xa. Chia tay, cô trò, chúng tôi luôn nhớ mãi ánh mắt ngây thơ của 12 cháu nhỏ cùng câu nói của cô giáo Hoàng Thị Thắm: “Dù phải đối mặt với bao khó khăn, chúng tôi vẫn sẵn sàng hy sinh để những mầm xanh nơi đảo xa này ngày càng khôn lớn, trường thành hơn. Chúng tôi mong sao, mai này những mầm xanh này sẽ tiếp tục công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc như bố mẹ các cháu”./.

Theo Bài, ảnh: Phùng Ngọc Thăng/dangcongsan.vn

 

Tệp đính kèm