Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 12/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 7.578.973 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 422.928 ca tử vong và 3.832.709 ca phục hồi.
Đại dịch COVID-19 đã lan sang 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận có thêm 131.308 ca nhiễm mới và 4.793 ca tử vong vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận 2.088.496 ca nhiễm COVID-19, trong đó 116.018 ca tử vong vì dịch bệnh. Brazil, Nga, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Anh… lần lượt là các quốc gia xếp sau Mỹ về số ca lây nhiễm.
Châu Âu tiếp tục là khu vực ghi nhận số ca lây nhiễm và tử vong nhiều nhất vì đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Hiện, số người nhiễm COVID-19 tại châu Âu đã vượt ngưỡng 2,1 triệu người, với hơn 181.000 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 15.486 ca nhiễm mới và 519 ca tử vong vì COVID-19.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Nga ngày 11/6 cho biết nước này ghi nhận 8.779 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số lên 502.436 ca. Nga cũng ghi nhận thêm 174 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 6.532 ca. Thủ đô Moskva vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, với 1.436 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại đây lên 201.221 ca.
Ngày 11/9, Bộ Y tế Ukraine công bố số liệu cho biết, số ca nhiễm COVID-19 mới tại nước này trong vòng 24 giờ qua là 689 ca, mức cao nhất tính theo ngày kể từ khi Ukraine ghi nhận ca mắc đầu tiên. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 11/6, Bộ trưởng Y tế Maksym Stepanov thừa nhận chưa bao giờ nước này ghi nhận số ca nhiễm cao như vậy, kể cả thời điểm khó khăn nhất là tháng 4 vừa qua, khi tình hình dịch bệnh hết sức nghiêm trọng. Với số ca nhiễm mới trên, đến nay, Ukraine đã xác nhận tổng cộng 29.070 ca nhiễm COVID-19, trong đó 854 ca tử vong.
Ukraine ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này. (Ảnh: Getty Images)
Tại châu Á, đã có tổng cộng 1.499.336 ca nhiễm và 37.900 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 37.140 ca mắc mới và 819 trường hợp tử vong. Riêng tại châu Á, có 912.574 ca được điều trị khỏi; 548.862 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 15.229 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ sáng 11/6 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 9.996 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca COVID-19 tại đây lên 286.579 ca, trong đó có 8.102 ca tử vong, tăng 357 ca so với 1 ngày trước đó.
Iran là quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 tại châu lục. Ngày 11/6, giới chức y tế Iran xác nhận số các trường hợp COVID-19 ở nước này đã vượt mốc 180.000 người, sau khi có thêm 2.238 trường hợp mới ghi nhận trong vòng 24 giờ qua. Phát biểu trong một buổi họp báo, bà Sima Sadat Lari, người phát ngôn của Bộ Y tế Iran cho biết hiện quốc gia châu Á này có tổng cộng 180.156 người mắc bệnh, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 78 trường hợp, lên 8.584 người.
Tại Đông Nam Á (ASEAN), đến hết ngày 11/6, khu vực này ghi nhận có tổng cộng 111.253 ca mắc COVID-19, trong đó 3.245 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực ASEAN có 5 nước ghi nhận có thêm ca mắc mới vì COVID-19 bao gồm Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia và Myanmar.
Hiện, Singapore là nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất ASEAN, với 39.387 ca nhiễm. Trong ngày 11/6, nước này cũng ghi nhận thêm 422 ca mắc mới. Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực. Trong ngày 11/6, Indonesia ghi nhận thêm 979 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này lên 35.295 người, trong đó số ca tử vong đã chạm mức 2.000 ca.
Các quốc gia còn lại trong khu vực là Campuchia, Lào, Brunei và Timor-Leste không ghi nhận ca mắc mới nào. Tại Việt Nam, theo Bản tin 6h ngày 12/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến nay, đã 57 ngày Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 29.110 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 2.384.656 ca, tổng số người tử vong là 141.328. Số ca phục hồi ở khu vực này là 997.711, trong khi đó 1.245.526 ca đang được điều trị tích cực và 19.371 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 129.184 ca nhiễm và 15.357 ca tử vong. Tiếp đến là Canada với 97.530 ca nhiễm và 7.996 ca tử vong vì COVID-19.
Khu vực Nam Mỹ có tổng số 1.310.061 ca nhiễm, 56.235 ca tử vong, 678.269 ca phục hồi. Sau Brazil, Peru là quốc gia đứng thứ hai khu vực về số ca nhiễm, với 214.788 ca, số ca tử vong là 6.109 ca. Tiếp đến là Chile với 154.092 ca nhiễm và 2.648 ca tử vong vì COVID-19.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 219.251 ca mắc COVID-19, trong đó 5.868 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu lục, với 58.568 trường hợp, trong đó 1.284 ca tử vong. Ai Cập là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục với 1.377 ca. Nước này cũng ghi nhận có 39.726 ca nhiễm COVID-19, xếp vị trí thứ 2 sau Nam Phi.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định đại dịch COVID-19 đang gia tăng tại châu Phi, lan rộng từ thủ đô của các các nước nơi mà nhiều du khách ghé thăm. Trong tuyên bố ngày 11/6, Giám đốc của WHO khu vực châu Phi, bà Matshidiso Moeti liệt kê danh sách 10 nước châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm chiếm tới 75% trong tổng số 200.000 ca ở châu lục này.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, chỉ có Australia là quốc gia ghi nhận có ca mắc mới vì COVID-19. Hiện, quốc gia này cũng đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 9 trường hợp mắc mới và không có thêm trường hợp tử vong nào vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên tới 7.285 ca, trong đó số ca tử vong là 102 trường hợp.
New Zealand là quốc gia xếp ở vị trí thứ 2 sau Australia về số ca lây nhiễm, với 1.504 ca, trong đó 22 trường hợp tử vong. Ngày 8/6, New Zealand đã tuyên bố chiến thắng đại dịch COVID-19 và dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế, nhưng vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát tại biên giới. Các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ sau khi bệnh nhân COVID-19 cuối cùng của New Zealand xuất viện./.
Theo Hoài Hà/dangcongsan.vn