Những hành động đẹp về giải cứu sinh vật biển quý hiếm ở Việt Nam rất nhiều nhưng lại chưa được phát hiện để tuyên dương, khen thưởng, tôn vinh xứng đáng. Tại sao lại không lấy những việc làm hay, hành động đẹp để lan tỏa đến cộng đồng, khơi dậy trong lòng người dân tình yêu và trách nhiệm với tài nguyên biển, từ đó cùng nhau chống khai thác hải sản bất hợp pháp?...
Nhận thức cao để hành động đẹp
Để làm tốt công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU) thì vai trò của ngư dân rất quan trọng, họ vừa là chủ thể khai thác hải sản và cũng là đối tượng hưởng lợi. Vì thế, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về chống khai thác IUU phải được đặt lên hàng đầu. Công tác tuyên truyền phải thật thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức để khơi dậy trong ngư dân lòng yêu biển, yêu quê hương, đất nước. Có tình yêu thì sẽ có trách nhiệm để bảo vệ biển và tài nguyên biển.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU vẫn chưa tốt, chưa thường xuyên, hình thức tuyên truyền chưa phong phú nên chưa tiếp cận được với bà con ngư dân. Đối tượng ngư dân thường xuyên phải lênh đênh trên biển thời gian dài, họ ít có điều kiện và thời gian để tiếp thu những hình thức tuyên truyền như tờ rơi, đọc báo, nghe phát thanh. Vì vậy, hình thức hiệu quả nhất là tuyên truyền trực tiếp. Muốn thế, cần có một đội ngũ truyền thanh lưu động “sống”. Thời gian qua, đội ngũ này được các địa phương ven biển cụ thể hóa bằng các mô hình như: “Tổ đồng quản lý nghề cá”, “Tổ đoàn kết” “Tổ hợp tác”... Song, sự quan tâm của các cơ quan nhà nước cho các mô hình này chưa tương xứng. Các tổ hoạt động èo uột, không có kinh phí hoạt động nên chưa phát huy hết được tinh thần trách nhiệm của các thành viên. Thiết nghĩ, các địa phương cần bố trí kinh phí, tổ chức lại các tổ này bài bản, quy mô hơn để phục vụ đắc lực cho công tác chống khai thác IUU.
![](/upload/2020/PHOTO/THANG%206/15/KHAI-THAC.jpg)
Tàu thuyền neo đậu tại Cảng cá Cửa Hội (Nghệ An). Ảnh: HẢI THƯỢNG.
Để thay đổi nhận thức của ngư dân phải có hình thức tuyên truyền đúng đắn, phù hợp, “mưa dầm thấm lâu”. Phải làm cho ngư dân hiểu việc Ủy ban châu Âu (EC) phạt "thẻ vàng" với hải sản Việt Nam sẽ có những tác động tiêu cực, thiệt hại lớn như thế nào về kinh tế cũng như uy tín, danh dự của đất nước. Có nhận thức đúng về nguy cơ, thiệt hại và có lòng tự tôn dân tộc thì ngư dân sẽ tự giác chấp hành quy định chống khai thác IUU.
Ngư dân Trần Văn Trung, trú ở khối Hải Thanh, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò (Nghệ An), khi đang đánh cá thì phát hiện một con đồi mồi dứa tại khu vực biển Cửa Hội. Đây là một loài rùa biển có tên trong Sách đỏ thế giới và ở Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng cao, bị cấm buôn bán và cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Nghe tin ông Trung bắt được đồi mồi dứa, có người đã đến nhà trả 250 triệu đồng để mua nhưng ngư dân này không bán mà bàn giao cho Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hội thuộc Đồn Biên phòng Cảng Cửa Lò-Bến Thủy (Nghệ An). Sau đó, cơ quan chức năng cùng ngư dân đã thả đồi mồi dứa về biển theo đúng quy định của pháp luật. Hay mới đây nhất, một số ngư dân tại xã Quảng Công, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) đã giải cứu, thả về biển một cá thể cá voi nặng khoảng 500kg bị mắc cạn, dạt vào bờ biển. Cá voi hoặc cá heo lớn vẫn thường dạt vào bờ biển nước ta. Người dân mỗi khi phát hiện đều nỗ lực giải cứu để đưa cá thể cá voi, cá heo trở về biển. Trường hợp chẳng may cá kiệt sức bị chết thì địa phương tiến hành chôn cất chu đáo, theo nghi thức truyền thống của ngư dân miền biển.
Những hành động đẹp về giải cứu sinh vật biển quý hiếm ở Việt Nam rất nhiều nhưng lại chưa được phát hiện để tuyên dương, khen thưởng, tôn vinh xứng đáng. Tại sao lại không lấy những việc làm hay, hành động đẹp để lan tỏa đến cộng đồng, khơi dậy trong lòng người dân tình yêu và trách nhiệm với tài nguyên biển, từ đó cùng nhau chống khai thác hải sản bất hợp pháp?
Danh dự của ngành khai thác hải sản Việt Nam
Nếu như hải sản khai thác của Việt Nam không được EC dỡ bỏ cảnh báo "thẻ vàng" và bị phạt "thẻ đỏ" sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nghề khai thác thủy sản cũng như lao động trong nghề khai thác thủy sản của nước ta, nhất là với ngư dân. Song thực tế hiện nay, Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ ngư dân trong công tác chống khai thác IUU, cụ thể như trang bị các thiết bị hiện đại trên tàu và cải hoán tàu cá.
Ngư dân Hoàng Văn Linh, chủ tàu cá ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Ngoài chi phí mua máy, chúng tôi còn phải tốn tiền lắp đặt, phí duy trì hoạt động, bảo dưỡng định kỳ. Trong điều kiện ngư dân còn khó khăn, việc bỏ ra 25-30 triệu đồng cũng phải cân nhắc trong khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ. Chúng tôi rất mong muốn Nhà nước xem xét hỗ trợ ngư dân trang bị các trang thiết bị hiện đại cho tàu cá. Cần có chính sách hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m, hỗ trợ một phần kinh phí mua thiết bị ban đầu và chi phí thuê bao hằng năm”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo của EC trong thời gian tới, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Cơ quan chức năng cần tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng trong hoạt động thanh tra, kiểm soát nghề cá; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát tàu cá ra-vào cửa lạch, cảng cá; kiểm tra, xử lý nghiêm các tàu cá không chấp hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Cương quyết không cho tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xuất lạch khai thác thủy sản. Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng trong hoạt động tuần tra, kiểm soát hoạt động nghề cá tại các cửa lạch, trên biển và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động khai thác IUU. Bố trí các đội tàu tuần tra trên biển, bảo đảm thời gian hoạt động trên các vùng biển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống khai thác IUU. Đối với công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Các ban quản lý cảng cá cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát tàu cá ra-vào cảng cá; tổ chức giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng đầy đủ theo quy định. Xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm về ghi chép nhật ký khai thác, không tuân thủ các quy định khi ra-vào cảng cá.
Song song với việc thực hiện các giải pháp cấp bách, về lâu dài, các tỉnh Bắc miền Trung cần xây dựng một kế hoạch tổng thể về điều tra, đánh giá nguồn lợi và hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển, đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn lợi và phát triển nghề cá biển bền vững. Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị, kiến nghị: “Xuất khẩu thủy sản sang EU không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn là danh dự của ngành khai thác hải sản. Những nội dung EC khuyến nghị để xóa "thẻ vàng" cũng trùng với lợi ích của bà con ngư dân, của ngành khai thác hải sản. Vì vậy, chúng tôi đang đề xuất xây dựng một đề án tái cơ cấu ngành khai thác hải sản xác định hạn ngạch cấp giấy khai thác thủy sản, xác định các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống để bảo vệ, đề xuất các đối tượng cấm, vùng cấm khai thác, vùng cấm khai thác có thời hạn trên địa bàn”.
HOÀNG HOA LÊ/Báo điện tử Quân đội nhân dân
https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-3-khai-thac-hai-san-co-trach-nhiem-619922