Cập nhật: 14/07/2020 15:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kinh tế đã trở thành mặt trận đối đầu chính trong loạt căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc vừa qua.

Trả đũa kinh tế Trung Quốc

Làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc tại Ấn Độ đã âm ỉ kể từ đầu tháng 5/2020 khi Trung Quốc điều động binh lính tới dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) giữa hai nước.

Xe container tại cảng Jawaharlal Nehru (Ấn Độ). Ảnh: Bloomberg.

Nó thực sự trỗi dậy sau vụ đụng độ ở thung lũng Galwan khiến 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng hôm 15/6. Thoạt đầu, sự phẫn nộ của người Ấn Độ với Trung Quốc, người Hoa, và hàng hóa và các khoản đầu tư của Trung Quốc dường như là một hành động bột phát, theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa.

Tuy nhiên, càng về sau, phong trào này  càng nhận được sự ủng hộ của nhiều chính trị gia, Chính phủ và cả nhiều doanh nghiệp Ấn Độ vốn bị cạnh tranh vì hàng hóa Trung Quốc. Trên thực tế, chính phủ Ấn Độ đã có những phản ứng rất nhanh và có sự chuẩn bị nhằm đáp trả Trung Quốc về kinh tế.

Chẳng hạn từ cuối tháng 6/2020, tất cả các lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đều bị giữ lại các cảng của Ấn Độ để kiểm tra trực quan toàn bộ. Điều này gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp Trung Quốc khi phát sinh các chi phí, thủ tục và thời gian. Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu đồ điện tử, đặc biệt là điện thoại di động của Trung Quốc như Vivo, Xiaomi, Oppo cũng gặp phải sự kỳ thị mạnh của người tiêu dùng Ấn Độ.

Các hãng này đã phải dừng các hoạt động quảng cáo, thay đổi logo và nhận diện thương hiệu để nhắc người tiêu dùng Ấn Độ rằng các sản phẩm này được sản xuất tại chính Ấn Độ. Nhưng biện pháp trừng phạt lớn nhất, gây choáng váng nhất là việc Chính phủ Ấn Độ ra quyết định cấm 59 ứng dụng di động có liên quan tới Trung Quốc từ ngày 29/6.

Việc chặn các ứng dụng di động của Trung Quốc không chỉ là một biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ an ninh từ việc đánh cắp dữ liệu. Đây còn là cú đánh thẳng vào các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc, ngăn chặn tham vọng phổ biến, mở rộng hệ sinh thái công nghệ của Trung Quốc ra bên ngoài. Ví dụ điển hình là công ty ByteDance - có trụ sở tại Trung Quốc – công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video ngắn Tik Tok. Hãng này có thể mất tới 6 tỷ USD với động thái của Ấn Độ. Trong vài năm qua, ByteDance đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào thị trường Ấn Độ với kỳ vọng đây sẽ là ‘mỏ vàng’ trong tương lai. Tuy nhiên, lệnh cấm này có thể chấm dứt toàn bộ hoạt động kinh doanh của Tik Tok tại Ấn Độ.

Ấn Độ đã lường trước hậu quả?

Trả đũa kinh tế với Trung Quốc ở đâu và mức độ như thế nào là bài toán rất khó với Ấn Độ trong hiện tại và tương lai. Chính xác là nền kinh tế và các doanh nghiệp Ấn Độ cũng sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề với việc tẩy chay hàng hóa, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc trong ngắn hạn.

Có nhiều lý do dẫn đến điều này. Trước hết là sự phụ thuộc nặng nề của Ấn Độ vào hàng hóa, đặc biệt là các nguyên liệu, thiết bị đầu vào từ Trung Quốc. 4 nhóm mặt hàng Ấn Độ phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung của Trung Quốc gồm: nguyên liệu dược phẩm và chất trung gian (chiếm 68% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này của Ấn Độ), linh kiện điện tử và chất bán dẫn (43%), hàng dệt may và nguyên liệu (27%) và linh kiện sản xuất ô tô (27%). Để có thể thay thế hàng hóa của Trung Quốc bằng các nguồn cung khác, Ấn Độ sẽ phải mất từ 3 đến 5 năm. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đình trệ và rối loạn.

Thứ hai là việc ‘nói Không’ với doanh nghiệp và vốn đầu tư của Trung Quốc là thách thức rất lớn khi mà sự hiện diện và thâm nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế Ấn Độ là rất sâu và rõ ràng. Ví dụ, trong giai đoạn 2015 – 2019, Ấn Độ nhận khoảng 1,8 tỷ USD đầu tư trực tiếp của Trung Quốc; tập trung vào 5 ngành công nghiệp: ô tô, thiết bị điện, in ấn, dịch vụ và điện tử. Còn tính trên đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang đi đầu. Việc phân biệt đối xử, siết chặt quản lý với doanh nghiệp Trung Quốc cũng chính là ảnh hưởng tới công ăn việc làm của rất nhiều người lao động Ấn Độ./.

Theo Phan Tùng/VOV-New Dehli

Tệp đính kèm