Có tới hàng chục nước thông báo ngày càng có nhiều người không đến các cơ sở y tế do lo ngại nhiễm virus, trong khi nguồn cung thuốc men, trong đó có thuốc điều trị HIV/AIDS, gặp khó khăn.
Xét nghiệm HIV/AIDS tại một cơ sở y tế ở Bandung, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tấn công các dịch vụ y tế thiết yếu cũng như hạn chế người dân tiếp cận các phương thức điều trị, tại các nước nghèo, sẽ có thêm hàng trăm nghìn bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV/AIDS, lao và sốt rét tử vong.
Đây là kết quả nghiên cứu được các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London đưa ra trên tạp chí Lancet Global Health, số ra ngày 14/7.
Các tác giả nghiên cứu khuyến cáo chính phủ cần đảm bảo những người mắc 3 căn bệnh trên tiếp tục được chẩn đoán và điều trị ngay cả khi hệ thống y tế quốc gia phải căng mình đối phó với dịch COVID-19.
Thống kê cho thấy dù các phương pháp điều trị và ngăn chặn HIV/AIDS, lao và sốt rét hiện nay có chi phí tương đối thấp và hiệu quả, nhưng các căn bệnh truyền nhiễm này vẫn cướp đi sinh mạng của 3 triệu người mỗi năm, trong đó đa phần là bệnh nhân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Có tới hàng chục nước thông báo ngày càng có nhiều người không đến các cơ sở y tế do lo ngại nhiễm virus, trong khi nguồn cung thuốc men, trong đó có thuốc điều trị HIV/AIDS, gặp khó khăn.
Theo ông Timothy Hallett, đồng tác giả nghiên cứu trên, những nước có số ca mắc sốt rét, HIV/AIDS và lao lớn, việc gián đoạn nguồn cung thuốc men ngay cả trong ngắn hạn cũng có thể gây những hậu quả nghiêm trọng đối với hàng triệu bệnh nhân phụ thuộc các chương trình kiểm soát và điều trị.
Nhóm nghiên cứu cũng đã xem xét 4 kịch bản chính sách ảnh hưởng đến tốc độ lây lan của dịch COVID-19, sau đó, kết hợp với các mô hình lây truyền HIV/AIDS, lao phổi và sốt rét để đánh giá tác động đối với các dịch vụ y tế trong mỗi kịch bản khác nhau trong giai đoạn 5 năm.
Tác động lớn nhất được dự đoán xuất phát từ sự gián đoạn nguồn cung các loại thuốc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, đặc biệt là ở các khu vực miền Nam châu Phi vốn có tỷ lệ tử vong cao hơn tới 10% so với lúc chưa xảy ra COVID-19.
Trong kịch bản tồi tệ nhất, các nước ở miền Nam châu Phi còn có nguy cơ phải chứng kiến tỷ lệ bệnh nhân lao phổi tử vong do HIV/AIDS - hiện vẫn được coi là căn bệnh truyền nhiễm cướp đi sinh mạng của nhiều người nhất trên thế giới, tăng lên tới 20%.
Trong khi đó, số bệnh nhân mắc sốt rét tử vong do thiếu các chiến dịch cung cấp màn chống muỗi có thể tăng 36%. Các nhà nghiên cứu khẳng định đại dịch COVID-19 có thể hủy hoại nhiều thành tựu kiểm soát bệnh sốt rét trong thập kỷ qua./.
Theo Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/he-luy-cua-dich-covid19-voi-cac-benh-nhan-aids-lao-phoi-va-sot-ret/651721.vnp