Tính từ ca bệnh được phát hiện lần đầu tại Ðắk Nông, đến nay tại các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 94 ca mắc bệnh bạch hầu. Cùng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các tỉnh Tây Nguyên đang huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch với quyết tâm không để bệnh lây lan trên diện rộng…
Cán bộ y tế khám sàng lọc cho người dân xã Hải Yang, huyện Ðăk Ðoa, Gia Lai.
Đến nay, Ðắk Nông là tỉnh có số ca mắc và chết do bệnh bạch hầu nhiều nhất. Tính đến ngày 17- 7, toàn tỉnh Ðắk Nông có tám ổ dịch bạch hầu, trong đó có bốn ổ dịch đã được kiểm soát, còn bốn ổ dịch đang lưu hành với 30 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có hai người chết. Ông Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ðắk Glong (nơi tâm dịch bùng phát và có 16 ca mắc bệnh và hai người chết) cho biết, đến nay vẫn chưa xác định được nguồn lây của bệnh, chưa tìm ra được ca F0. Trên thực tế đang tồn tại người lành mang trùng, các khu vực xảy ra dịch chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, môi trường sinh sống chưa bảo đảm, nhận thức về tiêm chủng và phòng bệnh còn hạn chế… cho nên khó đánh giá chính xác được diễn biến của dịch. Mặt khác, dịch xảy ra trong thời điểm mùa mưa, các khu vực phát dịch nằm cách xa trung tâm, đường đi lại rất khó khăn cho nên công tác phòng, chống dịch gặp nhiều trở ngại.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 14-7 đã phát hiện 21 người mắc bệnh bạch hầu tại huyện Ðăk Ðoa, trong đó có một người chết. Ngành y tế Gia Lai tiến hành lấy mẫu 75 người, qua xét nghiệm có 21 mẫu dương tính, 42 mẫu âm tính, hiện đang có 38 trường hợp đang cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế. Tại tỉnh Kon Tum cũng đã xác định có năm ổ dịch bạch hầu ở các huyện Sa Thầy, Ðăk Tô, Ðăk Hà và TP Kon Tum với 23 người mắc bệnh. Tất cả các ca dương tính và những trường hợp nghi ngờ đều đang được ngành y tế địa phương cách ly, điều trị. Tính đến ngày 16-7, ở tỉnh Ðắk Lắk ghi nhận 17 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại năm huyện, thị xã. Riêng ngày 16-7, toàn tỉnh ghi nhận bảy trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó riêng huyện Cư M’gar ghi nhận bốn trường hợp.
Nhằm ngăn chặn, không để bệnh bạch hầu lan rộng, các tỉnh Tây Nguyên đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Ngành y tế Gia Lai đã tổ chức khám sàng lọc 5.210 người dân làng Bok Rei, xã Hải Yang; xã Ðăk Sơ Mei và làng H’Lang, xã Hnol; cấp hơn 51 nghìn viên thuốc kháng sinh Erythromycin điều trị dự phòng; triển khai tiêm vắc-xin cho toàn bộ người dân làng Bông Hiot, xã Hải Yang. UBND tỉnh Gia Lai cũng đã quyết định cấp hơn 6,8 tỷ đồng để các ngành, địa phương triển khai các biện pháp kiểm soát dịch. Ngành y tế tỉnh Gia Lai đang phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tập trung triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; thành lập các tổ chống dịch cơ động; khoanh vùng, cách ly.
Ðến thời điểm hiện nay, ngành y tế Ðắk Nông đã tiến hành điều tra, xác minh ca bệnh đối với 1.139 trường hợp, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm xác định bệnh cho 1.342 trường hợp… đang cách ly 304 hộ gia đình và 1.326 người tại các khu vực dân cư có ghi nhận ca bệnh. Các khu vực phát hiện có ổ dịch cũng đã được tiêu độc, khử trùng; các trường học có người bệnh theo học, và các chốt cách ly đều được khử khuẩn bằng dung dịch Cloramil B 0,5%; tiêm gần 5.800 liều vắc-xin Td cho các đối tượng trong vùng dịch và khu vực có nguy cơ cao. Phó Giám đốc Sở Y tế Ðắk Nông Hà Văn Hùng cho biết, tỉnh xác định không đặt ra điều kiện phải tập trung truy vết cho bằng được đối với nguồn lây của bệnh, vì trên thực tế mầm bệnh đang tồn tại trong cộng đồng. Vì vậy, ngành y tế chuyển từ biện pháp phòng, chống, điều trị bệnh… thụ động sang các biện pháp chủ động. Cụ thể, chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc tập trung mọi nguồn lực, khoanh vùng, chủ động trong công tác điều tra dịch tễ, lấy mẫu trong cộng đồng với những khu vực có nguy cơ cao, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mang trực khuẩn bạch hầu để chủ động trong công tác điều trị, xử lý các biện pháp y tế đối với các vùng phát hiện ca bệnh…
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum vừa nhận 100 nghìn liều vắc-xin Td từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên và đang tổ chức cấp phát ngay cho trung tâm y tế huyện, thành phố. Trước mắt việc tiêm vắc-xin sẽ tập trung cho các đối tượng từ 7 đến 25 tuổi tại những xã có ca bệnh để phòng tránh và tạo miễn dịch trong cộng đồng. UBND tỉnh cũng đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho các trung tâm y tế, trạm y tế, đội xung kích để triển khai kịp thời công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh cũng như xử lý ổ dịch tại địa phương. Trong khi đó, UBND tỉnh Ðắk Lắk vừa ban hành công văn khẩn chỉ đạo ngành y tế và các địa phương trong tỉnh triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh bạch hầu nhằm khống chế, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng; hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng và chết người. Hiện các đơn vị nghiệp vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ðắk Lắk đã thực hiện giám sát, rà soát kỹ tất cả các trường hợp có biểu hiện viêm họng và tăng cường giám sát ca bệnh nghi ngờ ở các xã vùng sâu, vùng xa, khi phát hiện ca bệnh lập tức khoanh vùng, cách ly các khu vực đó. Mặt khác lập các chốt ngăn chặn người dân ở khu vực có ca bệnh không di chuyển đến các địa phương khác; cấp thuốc kháng sinh dự phòng cho người dân ở khu vực chung quanh gia đình các ca bệnh... Tỉnh Ðắk Lắk cũng đang tích cực triển khai Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bạch hầu tại bốn tỉnh Tây Nguyên do Bộ Y tế phát động.
Trong các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên hiện chỉ còn Lâm Ðồng chưa phát hiện ca mắc bệnh bạch hầu nào, nhưng tỉnh cũng đã xác định nằm trong khu vực có nguy cơ cao, do vậy đã chủ động lên phương án và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Sở Y tế Lâm Ðồng tổ chức hai đoàn giám sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, cung cấp 3.200 liều vắc-xin Td, tổ chức khám sàng lọc cho tất cả các học sinh từ xã Quảng Hòa, huyện Ðắk G’long (Ðắk Nông), đang theo học tại xã Ðạ R’sal, huyện Ðam Rông (Lâm Ðồng); tiêm vắc-xin Td cho trẻ từ 9 đến 15 tuổi tại xã Ðạ R’sal, Liêng S’rônh (Ðam Rông) và 435 học sinh, giáo viên Trường THPT Phan Ðình Phùng, xã Ðạ R’sal. Sở Y tế Lâm Ðồng yêu cầu các đơn vị y tế chủ động điều tra, giám sát dịch tễ, tiêm vắc-xin, phun khử khuẩn môi trường tại các vùng giáp ranh, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe… có phương án xử lý sớm nhất khi phát hiện ca bệnh.
Theo nhandan.com.vn