Cập nhật: 22/07/2020 10:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nằm trong vùng du lịch trọng điểm của miền Trung, thời gian qua, 3 địa phương: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã chủ động hợp tác hình thành thương hiệu “Ba địa phương, một điểm đến”. Nhờ đó, ngành du lịch của 3 địa phương đã đóng góp đáng kể vào doanh thu du lịch cả nước, từng bước trở thành điểm đến chung hấp dẫn đối với khách du lịch trong, ngoài nước. Tuy nhiên, để phát triển ngành du lịch bền vững, chuyên nghiệp, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong quy hoạch, kết nối hạ tầng, phát huy giá trị văn hóa di sản, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù...

Thương hiệu “Ba địa phương, một điểm đến”

Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam là 3 địa phương nằm trên con đường di sản có rất nhiều tiềm năng về du lịch. Trên chiều dài chưa đầy 300km, nơi đây sở hữu những bãi biển đẹp vào loại nhất nhì thế giới, cùng các di sản văn hóa được UNESCO công nhận như: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn... Phát huy thế mạnh của mình, các địa phương đã tạo ra những sản phẩm du lịch làng nghề đa dạng và phong phú, mang bản sắc đặc trưng của địa phương như các làng nghề thủ công truyền thống: Tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, dệt Zèng A lưới (Thừa Thiên-Huế), đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), dệt thổ cẩm của người Cơ Tu (Quảng Nam)... Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết: “Từ  năm 2006, 3 địa phương đã chủ động hợp tác để hình thành nên một thương hiệu chung “Ba địa phương, một điểm đến”. Thông qua cơ chế luân phiên, địa phương chủ trì xây dựng chương trình liên kết hằng năm, có sự tham gia đóng góp ý kiến của hai địa phương còn lại để triển khai có hiệu quả với các nội dung liên kết như: Quản lý nhà nước về du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá tới các thị trường du lịch trọng điểm của ba địa phương, đào tạo nguồn nhân lực du lịch...”.

Toàn cảnh di tích Đại Nội (Huế) nhìn từ trên cao. Ảnh: Đinh Trọng Hải

Thương hiệu “Ba địa phương, một điểm đến” đã từng bước định hình trong các tài liệu, ấn phẩm, quà tặng, trong hình ảnh nhận diện thương hiệu tại các gian hàng chung, đặc biệt là trong việc phối hợp đón tiếp các đoàn lữ hành, báo chí tới tham quan, khảo sát sản phẩm du lịch của 3 địa phương. Việc liên kết trong xây dựng chính sách quản lý, phát triển sản phẩm, nguồn lực du lịch, trong các hoạt động quảng bá du lịch đã và đang từng bước định vị thương hiệu du lịch 3 địa phương như một điểm đến có giá trị và thú vị ở Việt Nam với nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt. Khảo sát thực tế của chúng tôi cũng như qua đánh giá của chuyên gia Liên minh châu Âu, Hiệp hội Du lịch và cơ quan quản lý du lịch 3 địa phương cho thấy, thời gian qua, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã hình thành được 3 nhóm sản phẩm du lịch đặc thù, nổi bật chung gồm: Con đường di sản miền Trung, nghỉ dưỡng biển, con đường sinh thái và du lịch cộng đồng. Với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, 3 địa phương đã nổi lên, ghi dấu ấn trong bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Theo số liệu thống kê, năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến 3 địa phương đạt 10,34 triệu lượt, chiếm 56,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Đề cập về hiệu quả hợp tác liên kết phát triển du lịch của 3 địa phương trong hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch), đánh giá: “Có thể nói đây là một điển hình tiêu biểu trong liên kết hợp tác, xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch giữa các địa phương, góp phần hình thành động lực phát triển du lịch của khu vực miền Trung cũng như cả nước”.

Tăng tính hiệu quả trong liên kết hợp tác

Năm 2020, việc bùng phát dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch của cả nước nói chung và 3 địa phương nói riêng, qua đó bộc lộ những mặt hạn chế trong công tác phối hợp phòng, chống dịch cũng như liên kết phục hồi du lịch sau dịch bệnh. Nhằm khắc phục những mặt tồn tại trên, 3 địa phương đã ký cam kết và công bố chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch với thông điệp: “Điểm đến Thừa Thiên-Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam an toàn và mến khách”. Để chương trình đi vào thực chất, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã giao cho Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 3 địa phương là đơn vị đầu mối chủ trì triển khai, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm tra chất lượng dịch vụ theo cam kết của các doanh nghiệp du lịch, giảm giá nhưng không giảm chất lượng, tăng giá trị cho du khách khi sử dụng dịch vụ.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương, thời gian tới, 3 địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng tính hiệu quả trong liên kết hợp tác. Ngành du lịch sẽ triển khai xây dựng các tour du lịch theo các chủ đề: Con đường di sản, trung tâm du lịch thiên đường biển, con đường sinh thái gắn với du lịch có trách nhiệm và bền vững; liên kết các lễ hội với các hệ thống đặt giữ chỗ khách sạn nhằm đa dạng hóa trải nghiệm của khách du lịch tại 3 địa phương. Đối với phát triển nguồn nhân lực, ngành du lịch tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo tiếng Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc tại 3 địa phương với mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách từ thị trường Đông Bắc Á; tổ chức hội thảo xúc tiến hợp tác quốc tế trong đào tạo du lịch tại miền Trung, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo về du lịch trong vùng. Tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển du lịch liên vùng, thay đổi tư duy từ phát triển “điểm du lịch” thành “vùng du lịch”, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội hóa trên cơ sở đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư (PPP), nguồn vốn tư nhân, vốn ODA...

Ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết: “Trong thời gian tới, để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị, 3 tỉnh, thành phố sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch; xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững...”.

Để sự liên kết giữa các địa phương có hiệu quả hơn và đi vào chiều sâu, ngoài việc kết nối từ cấp độ chiến lược giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi cho rằng các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp du lịch của 3 địa phương cũng cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ để cùng xây dựng, triển khai các gói kích cầu du lịch hấp dẫn, đầu tư phát triển những sản phẩm mới tiềm năng, có sức hấp dẫn, tạo điểm nhấn cho du lịch vùng. Các địa phương cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tour du lịch mới nhằm thu hút khách quốc tế đến; tạo điều kiện để các hãng lữ hành nghiên cứu xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc nhằm nâng cao hơn sức cạnh tranh cho ngành du lịch 3 địa phương; tập trung đẩy mạnh đầu tư những tuyến đường nối các tuyến, điểm du lịch chính của các địa phương với những tuyến, điểm du lịch chính của cả vùng để hình thành các chương trình du lịch liên vùng phong phú...

NGUYỄN VĂN CHUNG

Nguồn: Báo điện tử Quân đội nhân dân

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/phat-huy-gia-tri-di-san-xay-dung-chuoi-san-pham-du-lich-dac-thu-627438

Tệp đính kèm