Chúng tôi cùng quê xứ biển Kiên Giang, vùng đất cuối trời tây nam của Tổ quốc, nơi được xem như một Việt Nam thu nhỏ, đầy đủ địa hình từ đồng bằng, rừng núi, đến miền biển đảo... Sản vật nơi đây phong phú, nhiều chủng loại, nhưng đặc trưng vẫn là hải sản với: tôm, cua, ghẹ, sò, nghêu, mực và rất nhiều loại ốc, cá. Nhưng nhắc đến hải sản không thể bỏ qua con tôm tích xứ Hòn Tre, thuộc huyện đảo Kiên Hải bởi vị ngon ngọt rất đặc trưng của vùng biển Tây.
Tàu thu mua tôm tích cập bến trên hòn.
Tôm tích còn gọi là tôm tít, tôm thuyền hay con bề bề. Tôm tích không phải tôm, cũng không phải bọ ngựa nhưng về hình thù tôm tích giống tôm và giống bọ ngựa ở cặp càng. Loài này có nhiều tại những vùng biển ôn đới và nhiệt đới trên toàn cầu. Ở Kiên Giang, cứ vào độ từ tháng 2 đến khoảng tháng 8, đặc biệt là tháng 2 đến tháng 5 là những người dân xứ đảo Hòn Tre lại háo hức ra khơi đi khai thác con tôm tích.
Đây là thời điểm tôm tích xứ Hòn Tre có nhiều nhất trong năm. Vào nhiều thời điểm trong ngày, tại cầu cảng, các bãi biển, hoặc ngay trên biển cảnh cân bán tôm tích diễn ra nhộn nhịp. Mùi hương của biển, không khí lao động tất bật và cả thanh âm tanh tách của mấy con tôm sống đang búng, góp phần làm rộn rã cho một vùng quê xứ biển đảo thanh bình.
Hòn Tre nhìn từ TP Rạch Giá.
Hòn Tre, hay còn gọi là Hòn Rùa, Đảo Rùa nhìn từ xa giống như một con rùa khổng lồ nổi lên giữa biển khơi. Không chỉ là đảo gần đất liền nhất, có những công trình tôn giáo mộc mạc đậm “bản sắc biển khơi” mà Hòn Tre còn lưu giữ được vẻ hoang sơ với nhiều cảnh đẹp đến nao lòng. Với Hòn Tre, du khách có thể đến vào bất cứ thời gian nào trong năm, vì mỗi mùa lại mang lại một cảm giác và một nét đẹp riêng biệt.
Về ẩm thực, tương đối giống với khẩu vị của miền Tây, nhưng mỗi món ăn ở Hòn Tre đều đậm chất “sơn hào hải vị” bởi vì sự tươi mới, ngon ngọt, đâm đà chất biển hiện diện dù chỉ là tái hay luộc. Là người ở quê, chúng tôi khuyến cáo du khách hãy đến với Hòn Tre vào mùa thu hoạch con tôm tích để thưởng thức các món ăn được chế biến từ con tôm tích trứ danh xứ hòn, với một mức giá vô cùng bình dân.
Một bãi đá trên Hòn Tre.
Hòn Tre có diện tích khá khiêm tốn với khoảng gần 4,3 km2, đường vòng quanh đảo khoảng 11km, nơi rộng nhất chừng 2km, đỉnh cao nhất 395m, địa hình dốc, chủ yếu là đồi núi, độ cao trung bình trên 30m. Trên đảo có hai ngọn núi: ngọn cao phía nam và ngọn thấp phía bắc. Từ Rạch Giá nhìn ra biển, chính hai ngọn núi này tạo cho đảo có hình dáng giống như một con rùa nổi giữa biển. Phía trên cao là cánh rừng nguyên sinh, là nơi cư trú của nhiều loài động vật.
Lần gần đây nhất chúng tôi trở lại Hòn Tre là vào tháng 3 năm nay. Chỉ hơn 30 phút ngồi tàu cao tốc, từ TP Rạch Giá, chúng tôi đã đặt chân lên đảo. Trở lại đảo đúng vào mùa thu hoạch tôm tích, chúng tôi hòa vào một nhóm du khách cùng đi mua tôm tích. Tôm tích Hòn Tre hôm nay khá nhiều, vừa được ngư dân dân đưa từ biển vào bờ. Tôm tích tươi xanh búng tanh tách, chỉ 50 nghìn, 60 nghìn đồng một ký.
Một điểm sơ chế tôm tích trên đảo.
Với những du khách lần đầu đến Hòn Tre, tận tay mua được những con tôm sống vừa được mang từ biển vào xem là một điều thú vị. Còn với chúng tôi xem đó là lẻ tự nhiên, bởi khi con tôm tích đã chết thì thịt sẽ không còn, giá cũng rẻ bèo nhưng chẳng ai thèm mua.
Trên bờ biển, chúng tôi gặp một chiếc ghe vừa neo vào bờ. Trên ghe không có tôm tích sống mà là tất cả tôm tích đều đã được luộc chín. Ông Ngô Văn Nghiêm, người đi trên ghe cho biết đây là ghe đi thu mua tôm tích ngoài biển. Sau khi mua tôm tích từ ngư dân đánh bắt, ông Nghiêm cho luộc ngay tôm tích ngoài biển.
Theo ông Nghiêm, tôm tích sau khi đưa từ biển lên luộc ngay sẽ giữ được mùi hương và vị ngọt ngon của thịt. Sau đó, tôm tích được bảo quản lạnh chở về đảo cho nhân công lột vỏ, đóng hộp rồi xuất bán. Mỗi ngày ghe của ông Nghiêm thu mua khoảng 1,3 tấn tôm tích.
Con tôm tích đã được sơ chế.
Ông Nghiêm tâm sự: “Làm nghề này cũng rất vất vả, nhưng nó là một nghề của dân xứ biển đảo, người dân đã quen thuộc bao nhiêu năm qua. Đến mùa tôm tích, thấy ham lắm! Mỗi khi xuống tôm là người đông nghẹt, nhờ vậy mà người dân có thu nhập, lại thêm yêu thương và gắn bó hơn với xứ đảo chứ!”.
Chúng tôi ghé một cơ sở làm tôm tích thành phẩm dọc theo bờ biển. Bà con nói cười vui vẻ, cảnh lao động nhộp nhịp đông vui. Con tôm tích sau khi luộc được cắt bỏ đầu và hai bên mép vỏ rồi lột thật khéo sao cho giữ nguyên phần thịt vẫn ra dáng con tôm. Tôm lột xong đóng hộp giao cho các nhà hàng, quán ăn, cơ sở thu mua để chế biến ra nhiều món ăn.
Tùy theo độ lớn nhỏ của tôm mà giá bán cũng khác nhau. Mỗi ngày, bình quân một người lột vỏ tôm thu nhập bình quân khoảng 250 nghìn đồng, người siêng năng là giỏi có thể thu nhập được hơn 400 nghìn đồng/ngày. Công việc này người già hay trẻ em đều làm được. Đây cũng là một trong những nghề đem lại thu nhập khá cho người dân nơi đây.
Một gia đình du lịch tự túc ở Hòn Tre.
Qua trò chuyện với bà Châu Kim Oanh, chúng tôi được biết, con tôm tích không chỉ tạo ra món ăn ngon mà còn tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều người dân xứ đảo. Bởi vậy, người dân ai ai cũng trông vào mùa tôm tích để được lao động, để được có thêm nguồn thu nhập. Và khi mùa tôm tích đến, xứ đảo trở nên rộn ràng. Đàn ông thì ra biển khai thác, thu mua, phụ nữ có cả trẻ em tập hợp lại cùng nhau đi lột vỏ tôm.
Bà Oanh kể, ngày trước con tôm tích chưa được nhiều người biết đến, nên việc thu mua, tiêu thụ rất hạn chế. Tôm tích khai thác nhiều tiêu thụ không hết, người dân phải phơi khô bán và từ đó món khô tôm tích ra đời. Khô tôm tích thơm ngon, khi nướng lên tỏa mùi hương khó cưỡng lại. Ngoài ra, còn có mặt hàng tôm tích rán bánh tráng. Đây là hai món ngon xứ biển được chế biến từ con tôm tích, được du khách rất ưa chuộng, mua làm quà cho người thân.
Bà Châu Kim Oanh làm nghề lột vỏ tôm tích.
Con tôm tích mềm nhưng thịt dai, thơm, ngon. Tôm tích có hai loại, có gạch và không có gạch. Tôm tích được chế biến thành nhiều món ăn, đơn giản là nấu canh, luộc chấm muối tiêu hoặc nhúng bột chiên chấm tương ớt, rang, nướng, hấp... Riêng tôm tích hấp sẽ giữ nguyên vị ngọt và khi ăn chấm với muối tiêu chanh sẽ làm tăng thêm hương vị ngọt ngào, thơm ngon, đậm đà chất biển, giàu dinh dưỡng.
Tôm tích không chỉ có ở Hòn Tre mà có ở hầu hết các vùng biển của Kiên Giang. Nhưng nhiều người nhận định, tôm tích ở Hòn Tre thơm ngon hơn và giá cả rẻ hơn các nơi khác rất nhiều. Hầu hết du khách đến Hòn Tre sẽ được tự túc hoàn toàn, nếu như không muốn ghé vào các hàng quán. Nhưng khi đã ghé cũng không phải lo bị "chặt chém", vì giá cả ở đây rất bình dân, người dân xứ đảo lại thân thiện.
Ở Kiên Giang, Hòn Tre dù không nổi tiếng bằng Hòn Sơn, Nam Du, hay quần đảo Bà Lụa hoặc quần đảo Hải Tặc nhưng Hòn Tre vẫn có nét đẹp riêng, thu hút du khách. Ai thích ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ, với nhiều bãi đá dựng đứng, trong làn nước biển trong xanh… thì phải đến hòn đảo này một lần để cảm nhận.
Còn với chúng tôi, chiều đến, cuốc bộ dọc theo con đường bê-tông với một bên là nhà cửa, một bên là những chiếc ghe, thuyền lớn nhỏ nhấp nhô theo sóng biển để cảm nhận về một làng chài nới xứ đảo. Rồi đứng trước biển để quên đi những nhọc nhằn hay muộn phiền.
Và khi mặt trời khuất núi, ngồi một điểm cố định trên Hòn Tre cùng với những người bạn nhắp vài cốc bia với món khô tôm tích trứ danh xứ hòn... đã đủ đấy cho một lần trở lại.
Theo THY TRANG – NGUYỄN VIỆT TIẾN/nhandan.com.vn