Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 2354/QĐ-BVHTTDL công nhận Khu du lịch Mũi Né, tỉnh Bình Thuận là Khu du lịch quốc gia.
Theo Quyết định này, vị trí, quy mô, ranh giới Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận để quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, thu hút khách du lịch.
Theo Quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, Khu du lịch quốc gia Mũi Né nằm trên dải đất ven biển từ xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong đến hết ranh giới phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết; có diện tích khoảng 14.760 ha, trong đó diện tích vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch khoảng 1.000 ha.
Mũi Né là địa điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến nghỉ dưỡng. (Ảnh: NS)
Ranh giới Khu du lịch quốc gia Mũi Né được xác định như sau: Phía Bắc giới hạn bởi tuyến đường Võ Nguyên Giáp và các tuyến đường tỉnh 715, 716 và 716B; phía Đông giáp sông Lũy và biển Đông; phía Tây dọc theo ranh giới hành chính phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết; phía Nam giáp biển Đông.
Mục tiêu Khu du lịch quốc gia Mũi Né là tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch, đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển Khu du lịch Mũi Né trở thành một điểm đến hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia này trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đặc biệt, hình thành bốn phân khu du lịch chính của Khu du lịch quốc gia Mũi Né từ vùng ven biển Hòa Thắng, Tuy Phong trở vào, trong đó chú trọng khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt các danh thắng, định hướng khai thác giá trị các cảnh quan với bảo vệ môi trường. Liên kết tổ chức hoạt động quảng bá chung tam giác du lịch “Bình Thuận - Lâm Đồng - TP. Hồ Chí Minh” với chuỗi sản phẩm “Biển Phan Thiết - Hoa Lâm Đồng - Chợ Sài Gòn”.
Ngoài ra, mục tiêu du lịch Bình Thuận đến năm 2025 tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 24.000 tỉ đồng và năm 2030 đạt 50.000 tỉ đồng với nhu cầu buồng lưu trú đến năm 2025 hơn 21.000 buồng và năm 2030 hơn 41.000 buồng. Tại đây cũng sẽ tạo việc làm trực tiếp cho hơn 45.000 người đến năm 2030.
Theo HN/dangcongsan.vn