Ung thư gan không chỉ liên quan đến viêm gan virus, mà nó còn là hậu quả của lối sống không lành mạnh, bao gồm ăn nhiều chất béo, lạm dụng rượu bia, lười vận động.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam có tỉ lệ mắc ung thư gan theo giới tính nam cao thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mông Cổ và Lào.
Tỉ lệ mắc ung thư gan tăng nhanh trong vòng 20 năm qua. Trung bình cứ 100.000 người Việt thì có 23,2 người bị ung thư gan. Tại Việt Nam, sau nhiều năm đứng ở vị trí thứ 2, hiện ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi, vươn lên vị trí số 1 về tỉ lệ mắc mới.
Năm 2018 Việt Nam ghi nhận 25.335 trường hợp, với số tử vong mỗi năm tương đương số ca mắc mới, khoảng 25.000 người chết vì ung thư gan, cao hơn nhiều lần số tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam.
Trong đó, nguyên nhân phần lớn có tới 80-90% bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, lúc này các biện pháp can thiệp, điều trị rất hạn chế. Trong khi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tiên lượng điều trị rất tốt.
Các tác nhân gây ung thư gan
Nguyên nhân gây bệnh ung thư gan đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như giới tính (thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới), những người mắc bệnh gan mãn tính (xơ gan), gan nhiễm mỡ, viêm gan B, viêm gan C, béo phì, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc…. Ngoài ra, nguyên nhân gây ung thư gan có thể liên quan đến các yếu tố môi trường, chế độ ăn uống lạm dụng rượu bia, thuốc lá....
Tại Việt Nam viêm gan virus (B, C) là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan hoặc ung thư gan. Bên cạnh đó, một số thói quen ăn nhiều chất béo, đồ ngọt, lạm dụng rượu bia và lối sống ít vận động, tình trạng thừa cân, béo phì (béo bụng) đang khiến cho người Việt đang tàn phá lá gan của chính mình.
GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Phó Giám đốc BV Bạch Mai đánh giá, bên cạnh nguyên nhân ung thư gan do viêm gan virus, ngày càng nhiều bệnh nhân bị ung thư có sự tác động của rượu.
Rượu không chỉ gây nguy cơ ung thư gan mà còn là nguy cơ gây ung thư vòm họng, thực quản, dạ dày.
Theo ông, những người uống rượu mạnh trong nhiều năm thường bị ung thư thực quản, ung thư đường hô hấp. Còn các ca xơ gan, chuyển ung thư gan do nghiện rượu nặng khá phổ biến.
Dấu hiệu mơ hồ khó phát hiện
Bác sĩ Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Ngoại gan mật tụy, Bệnh viện K Trung ương, cho biết ung thư gan khó sàng lọc phát hiện sớm vì ở giai đoạn sớm biểu hiện của bệnh thường mơ hồ, người bệnh ít chú ý tới. Hầu hết trường hợp ung thư gan được phát hiện đều đã muộn.
Hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan như: phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, dùng thuốc nhắm trúng đích, hiện có thêm các phương pháp nút mạch, đốt sóng cao tần, đốt u bằng vi sóng, laser, điện đông, tiêm cồn tuyệt đối qua da, ghép gan... Việc lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào vị trí, kích thước, giai đoạn của bệnh cũng như các bệnh lý kèm theo.
Ngoài ra, ghép gan là phương pháp mang lại hiệu quả cao đối với những bệnh nhân mắc ung thư gan.
Chủ động phòng ngừa ung thư gan
Do dấu hiệu mơ hồ, khó phát hiện sớm, nên với ung thư gan, các chuyên gia khuyến cáo cần thực hiện khám sức khỏe định kỳ thường xuyên mỗi 6 tháng/lần bằng siêu âm, xét nghiệm máu,… để phát hiện sớm các tổn thương gan, đặc biệt ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao của ung thư gan: viêm gan virus B, C, xơ gan…
Người dân cũng cần tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng viêm gan B.
Hạn chế hoặc bỏ bia, rượu, thuốc lá, đặc biệt đối với những bệnh nhân có xơ gan, viêm gan virus.
Không dùng thuốc bừa bãi, đặc biệt thuốc chưa rõ nguồn gốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ. Hầu hết các thuốc đều chuyển hóa qua gan, việc lạm dụng thuốc có thể gây suy giảm chức năng gan, nhất là những bệnh nhân đã có bệnh gan mạn tính và đây là nguy cơ cao cho ung thư gan.
Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan.
Theo Tú Anh/dantri.com.vn