Đóng quân ở vùng sông nước miền Tây, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 962 (Quân khu 9) thuộc nhiều vùng quê khác nhau, không ít chiến sĩ và sĩ quan trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn... Trước thực tế đó, lữ đoàn thường xuyên chỉ đạo đội ngũ cán bộ các cấp bám sát, tìm hiểu gia cảnh từng người để có biện pháp giúp đỡ, động viên bộ đội.
Thiếu tá Trần Văn Phong, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, cho biết: “Chúng tôi đề ra nhiều biện pháp trong tổ chức, giáo dục, giải quyết tư tưởng bộ đội. Như trường hợp Trung sĩ Bùi Văn Linh, chiến sĩ súng pháo Tàu 18-21-11 của Đại đội 4, có biểu hiện dao động tư tưởng do mẹ bị bệnh hiểm nghèo, muốn về thăm và chăm sóc mẹ nhưng lại giấu kín trong lòng. Trước sự thay đổi ấy, cán bộ tàu chủ động trò chuyện với Linh và tìm hiểu thêm hoàn cảnh qua các chiến sĩ cùng tiểu đội, sau đó báo cáo với lữ đoàn giải quyết để Linh về nhà 3 ngày. Sau đợt tranh thủ, trở lại đơn vị, Linh rất cảm động và yên tâm công tác”.
Trung úy Quán Đức Thành, quê ở huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2 năm 2016, được bổ nhiệm giữ chức Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 3. “Lúc mới về nhận công tác, do xa gia đình, người yêu nên Thành có ý định xin ra quân. Biết chuyện, cán bộ các cấp kịp thời tìm hiểu, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ Thành, nhất là việc thường xuyên liên lạc với hậu phương và cho đi tranh thủ. Từ đó, Thành luôn chủ động học tập, công tác, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, gương mẫu đi đầu thực hiện các phong trào; tập thể trung đội và cá nhân Thành nhiều lần được khen thưởng trong các phong trào thi đua”, Thiếu tá Đỗ Văn Kết, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, nhận xét.
Thiếu tá Đỗ Văn Kết, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 962 (đầu tiên, bên trái) trò chuyện, động viên chiến sĩ mới về đơn vị công tác.
Không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp tiến hành công tác giáo dục, quản lý phù hợp với điều kiện, tính chất đặc thù quân sự, bám sát mọi diễn biến tư tưởng của bộ đội là một trong những cách làm được lữ đoàn thực hiện thành công. Ví như Hạ sĩ Nguyễn Minh Trí, chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội SPG9, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Gò Công (Tiền Giang), ngay từ nhỏ Trí đã kém may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa. “Bố mẹ ly hôn khi em 4 tuổi, em phải về ở với bà ngoại. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn, có lúc bà cháu chỉ ăn khoai để sống qua ngày nên việc học dang dở khi em vừa bước vào lớp 8”, Trí tâm sự trong nước mắt. Tháng 2-2019, tròn 18 tuổi, Trí tình nguyện nhập ngũ về Lữ đoàn 962. Sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới ở Tiểu đoàn 3, Trí được biên chế về Đại đội SPG9. Cùng thời điểm đó, bà ngoại trở bệnh do tuổi già nên Trí có ý định bỏ về thăm bà và thường vi phạm một số quy định của đơn vị... Nhưng khi được cán bộ, chỉ huy gặp gỡ, phân tích, Trí đã nhận thức thông suốt và chấp hành nghiêm kỷ luật. Không những thế, Trí luôn tích cực xung phong trong hoạt động chung của đại đội, đạt nhiều thành tích xuất sắc, hai lần được cấp trên khen thưởng. Tại hội thi văn nghệ mừng Xuân Canh Tý 2020, Trí đã vượt qua gần 20 tiết mục của đồng đội để giành giải nhất. Với nỗ lực ấy, Hạ sĩ Nguyễn Minh Trí trở thành tấm gương điển hình tiên tiến ở đại đội nói riêng và trong toàn lữ đoàn nói chung.
Theo Thượng tá Lê Thanh Nhã, Chính ủy Lữ đoàn 962, những tác động của xã hội trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay ảnh hưởng nhiều đến tâm tư, nguyện vọng của bộ đội. Do đó, cùng với việc duy trì nghiêm kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị, đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp phân đội hằng ngày ăn, ở, công tác cùng bộ đội phải thường xuyên nắm bắt từng thay đổi của mỗi người, qua đó kịp thời giải quyết tốt những vướng mắc nảy sinh, góp phần ổn định tư tưởng, giúp bộ đội yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị.
Bài và ảnh: THÀNH TÂM
Nguồn: Báo điện tử Quân đội nhân dân
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/giai-quyet-tot-tu-tuong-bo-doi-la-chia-khoa-thanh-cong-632473