Tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở nước ta do rác thải nhựa tiếp tục gia tăng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái, sinh vật và sức khỏe người dân thời gian qua. Nguyên nhân là do các nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển, năng lực quản lý, thu gom, xử lý còn hạn chế, nhất là ý thức bảo vệ môi trường biển của người dân chưa cao.
Thu gom rác thải nhựa trên bãi biển huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: HOÀNG MINH
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), rác thải nhựa chiếm khoảng từ 50% đến 80% lượng rác thải biển. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ tư trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới). Theo các chuyên gia, nguồn gây ô nhiễm chính liên quan đến chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam bao gồm nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển (hoạt động vận tải trên biển, đánh bắt, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác). Mặt khác, trong những năm qua, ngành du lịch biển phát triển mạnh mẽ, mỗi năm thu hút hàng trăm triệu lượt khách du lịch trong nước và nước ngoài. Vì vậy, khối lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam năm 2020, dự báo khoảng hơn 206 nghìn tấn, trong đó gần 40% xả ra biển. Nhiều bãi biển đẹp như Vịnh Hạ Long, tại một số đảo như Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm..., đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhất là lượng rác thải nhựa ngày một gia tăng. Đáng lo ngại, chất thải nhựa có kích thước micro (nhỏ, < 5 mm) hình thành trong quá trình sản xuất, hoặc phân mảnh vật liệu nhựa tồn tại dưới dạng vật chất lơ lửng và trong trầm tích đáy biển rất khó phân hủy, dễ dàng được tích lũy trong chuỗi thức ăn sinh vật gây ra những tác động đáng kể tới các hệ sinh thái biển. Các loại chất thải nhựa có kích thước lớn như lưới, ngư cụ trôi nổi trên biển còn gây hại nghiêm trọng cho các sinh vật biển khi chúng bị mắc kẹt, giảm năng suất đánh bắt thủy sản và gây những tác động đến hệ sinh thái biển khác...
Trước thực trạng nêu trên, cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương (NĐD) đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, giảm 75% rác thải NĐD; 100% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn không còn rác thải nhựa... Thứ trưởng TN và MT Lê Minh Ngân cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý trong lĩnh vực TN và MT, Bộ TN và MT đã chủ động thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải NĐD đến năm 2030 trong toàn ngành, với mục tiêu tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải NĐD. Đẩy mạnh công tác thu gom, phân loại, xử lý và kiểm soát các nguồn thải nhựa từ đất liền ra biển, từ các hoạt động trên biển, hải đảo. Trên cơ sở đó, đề xuất, phối hợp các địa phương ven biển xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình phân loại chất thải, rác thải nhựa tại nguồn ở một số khu kinh tế, khu đô thị, khu công nghiệp và khu chế xuất ven biển...
Hiện tại, Bộ TN và MT đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải NĐD, trong đó tập trung hoàn thiện, xây dựng mới hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường, chuẩn quốc gia phục vụ rác thải NĐD; xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sử dụng các sản phẩm xanh, tái chế và thân thiện với môi trường. Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, chủ động phối hợp trong việc kiểm soát, quản lý rác thải NĐD và triển khai các sáng kiến của
Việt Nam với cộng đồng quốc tế về quản lý rác thải NĐD... Bộ TN và MT giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện việc tổng hợp, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa ở khu vực ven biển, các hải đảo và từ các hoạt động trên biển để xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về rác thải NĐD thống nhất, phù hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; chủ trì thực hiện các nghiên cứu khoa học chuyên sâu về tác động của rác thải NĐD, nhất là vi nhựa đến tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người...
Các chuyên gia lĩnh vực môi trường biển cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là chính quyền các địa phương có biển cần tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển quy mô quốc gia, địa phương và cộng đồng cư dân ven biển ít nhất mỗi năm hai lần. Trong đó, cần lưu ý việc bố trí các thiết bị lưu chứa và các địa điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường. Huy động sự tham gia tích cực hơn nữa của người dân trên địa bàn trong thu gom; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở các lưu vực sông, khu vực các hệ sinh thái ven biển, rừng ngập mặn, các bãi tắm, vùng nước ven biển. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải NĐD đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn...
Theo THÁI SƠN/nhandan.com.vn