Nguồn tin từ EU cho biết, trong các cuộc đàm phán tuần trước, Anh đã đưa ra hai ý tưởng về đánh bắt cá, được đánh giá là khác so với quan điểm trước đó, vốn bị EU thẳng thừng bác bỏ.
Các nguồn tin ngoại giao châu Âu hôm qua (15/9) cho biết, Anh đã đưa ra nhượng bộ tạm thời trong vấn đề đánh bắt cá tại các cuộc đàm phán thương mại với Liên minh châu Âu (EU), có thể giúp hai bên khai thông bế tắc. Nhượng bộ một trong những vấn đề đàm phán gai góc giữa hai bên có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng liên quan đến việc Anh thúc đẩy Dự luật Nội địa, với nguy cơ về một Brexit không thỏa thuận vào cuối năm nay.
Anh đã đưa ra một số nhượng bộ trong đàm phán với EU. Ảnh minh họa: BBC.
Các cuộc đàm phán giữa Anh và EU hầu như đã bị đình trệ vì bất đồng về quyền đánh bắt cá, các quy tắc viện trợ của Nhà nước và những đảm bảo khác về cạnh tranh công bằng trên thị trường và cách giải quyết các tranh chấp trong tương lai. Tuy nhiên, nguồn tin từ EU cho biết, trong các cuộc đàm phán tuần trước, Anh đã đưa ra hai ý tưởng về đánh bắt cá, được đánh giá là khác so với quan điểm trước đó, vốn bị EU thẳng thừng bác bỏ. Những người tham gia đàm phán mô tả đề nghị của Anh là một nỗ lực để vượt qua trở ngại chính cho một thỏa thuận thương mại mới với Liên minh châu Âu từ năm 2021.
Điều này cho thấy thiện chí xây dựng của Anh tiếp tục đàm phán với Liên minh châu Âu bất chấp những khủng hoảng trong cuộc đàm phán Brexit về dự luật Thị trường nội bộ của Anh, mới được Hạ viện Anh thông qua. Với cảnh báo của Liên minh châu Âu trước đó cho rằng, dự luật mới của Anh vi phạm các nghĩa vụ pháp lý quốc tế cũng như Thỏa thuận rút lui khỏi EU cho thấy có nhiều khả năng Anh sẽ ra khỏi Liên minh châu Âu không thỏa thuận vào cuối năm nay.
Bất chấp sự phản đối của EU, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn khẳng định quyết tâm thúc đẩy dự luật gây tranh cãi này: “Những gì chúng tôi không thể chấp nhận là đường biên giới của Anh do một tổ chức hay thế lực nước ngoài nào quyết định. Không có Thủ tướng Anh hay chính phủ, Quốc hội nào chấp nhận sự áp đặt này. Do đó chúng tôi muốn chấm dứt những ảo tưởng của các đối tác EU bằng việc thúc đẩy dự luật này”.
Ngoài vấn đề sinh kế, ngành đánh bắt thủy hải sản của Anh còn mang một giá trị biểu tượng, đặc biệt đối với những người ủng hộ Brexit - đó là chủ quyền độc lập của một quốc gia ở châu Âu. Đây cũng là lý do vì sao vấn đề này gây tranh luận kéo dài, và gây ra nhiều cảm xúc trong các cuộc tranh luận trưng cầu ý dân từ trước năm 2016 cho tới bây giờ.
Chuyên gia phân tích -Tiến sĩ Niall McCrae của Tập đoàn nghiên cứu Bruges cho rằng, Thủ tướng Anh Boris Johnson có thể nhượng bộ về quyền đánh bắt cá trong những phút cuối, với hi vọng hướng một thỏa thuận tổng hòa với Liên minh châu Âu:
“Quyền đánh bắt cá được coi là biểu trưng cho những người muốn cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, đóng góp trong ngành đánh bắt cá chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong Tổng sản lượng GDP của Anh. Do đó nhóm đàm phán Anh có thể nhượng bộ trong lĩnh vực này để đảm bảo một thỏa thuận Brexit thịnh vượng cho nước Anh”.
Khi được yêu cầu bình luận về những thỏa hiệp này, người phát ngôn của chính phủ Anh không đề cập trực tiếp, nhưng khẳng định lập trường của Anh về đánh bắt cá là hợp lý và thẳng thắn. Theo một số nguồn tin, Anh có thể sẵn sàng tiến tới ký kết một thỏa thuận với Liên minh châu Âu bất chấp những khủng hoảng trong cuộc đàm phán Brexit về dự luật Thị trường nội bộ của Anh./.
Theo Phạm Hà/VOV1 (Tổng hợp)