Chương trình kích cầu du lịch nội địa lần thứ 2 và sẽ được triển khai vào những tháng cuối năm 2020 và hướng đến chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.
Ông Hoàng Nhân Chính (Hội đồng Tư vấn Du lịch) cho hay, du lịch nội địa - lĩnh vực mới được tái sinh và thể hiện sức sống chỉ mới được vài tuần trong tháng 6 và đầu tháng 7 đã chịu tác động mang tính hủy diệt của đợt bùng phát dịch Covid lần 2.
Thống kế của Hội đồng Tư vấn Du lịch cho thấy, nhiều khách sạn tại các điểm du lịch, lượng khách sụt giảm nghiêm trọng.
Cụ thể, trong tuần ngay trước 25/7 khu nghỉ dưỡng Victoria Hội An đã đón 160 khách/ ngày thì ngay lập tức giảm xuống còn 0 khách trong tháng 8. Trong tháng 7 trước đợt bùng phát dịch mới khu nghỉ Intercontinental Phú Quốc đã đón bình quân 200 khách/ngày, đến đầu tháng 8 giảm xuống chỉ còn chưa đến 20 khách/ngày.
“Một thách thức thực sự là đã có nhiều khách sạn bị đóng cửa và đang được chào bán trên thị trường”, ông Hoàng Nhân Chính nhấn mạnh.
Ngành du lịch nội địa vừa khởi sắc đã bị "hủy diệt" bởi lần bùng phát dịch lần 2. (Ảnh: Toàn Vũ)
Về kịch bản phục hồi ngành du lịch Việt Nam trong Covid-19, theo ông Hoàng Nhân Chính còn khó đoán, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.
Hiện nay, ngành du lịch và các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch phục hồi thật kỹ lưỡng, phù hợp với xu hướng thị trường. Điều này đòi hỏi sự quan tâm và chú trọng đến tâm lý và hành vi của du khách giữa đại dịch.
Trong khi đó, ngày 18/9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa lần thứ 2 và sẽ được triển khai vào những tháng cuối năm 2020. Chương trình tái kích cầu du lịch lần này hướng đến chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.
Trong đợt kích cầu lần thứ 2, thị trường mà du lịch nhắm đến vẫn là đối tượng khách du lịch Việt Nam và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Chương trình kích cầu du lịch nội địa lần thứ 2 và sẽ được triển khai vào những tháng cuối năm 2020 trong đó yếu tố an toàn vẫn được đặt lên hàng đầu.
Các hoạt động kích cầu sẽ tập trung vào phát động thị trường, giới thiệu điểm đến, thu hút khách trên cơ sở Liên minh kích cầu giai đoạn trước, khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu mới dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch gofl và du lịch MICE…
Về việc phát triển các sản phẩm du lịch, chương trình kích cầu tập trung vào việc xây dựng những gói kích cầu hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình, đảm bảo chất lượng và uy tín thương hiệu, đồng thời có những chính sách hoãn hủy, hoán đổi linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch.
Trong đợt kích cầu du lịch, việc tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn trên các kênh truyền thông trung ương, địa phương rất quan trọng. Điều này sẽ góp phần xóa bỏ tâm lý e ngại đi du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19.
Ngoài ra, việc thực hiện các hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 vẫn cần được thực hiện một cách nghiêm túc nhằm đảm bảo an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch.
Bộ VHTT&DL cũng khuyến khích du khách, doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin về điểm đến an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phần mềm ứng dụng công nghệ số liên quan.
Theo Theo Hà Trang/dantri.com.vn