Xác định nông nghiệp là ngành quan trọng giúp giải quyết việc làm, ổn định đời sống của số lượng lớn Nhân dân trong tỉnh. Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm tạo ra sự chuyển biến nhanh chóng cho sản nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Xã Bình Định, huyện Yên Lạc, quê hương của Cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, vẫn đồng đất ấy nhưng giờ diện mạo thôn xóm đã khác trước rất nhiều. Ông Bùi Văn Vườn nhớ lại, từ chủ trương người cày có ruộng sau Cách mạng Tháng 8 đến thực hiện thí điểm khoán hộ do Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc khởi xướng, rồi đến Khoán 10, nông dân Vĩnh Phúc đã có một hành trình đi lên lớn mạnh.
Nhằm tạo bước đột phá trong việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc đã có chủ trương tiếp tục dồn thửa, đổi ruộng tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Từ chủ trương này, anh Nguyễn Văn Cháng ở xã Tứ Yên, huyện Sông Lô đã hình thành được trang trại lên tới 5 ha, ứng dụng những công nghệ tiên tiến để chăn nuôi bò sinh sản tập trung. Anh Cháng là một trong số rất nhiều nông dân tiêu biểu thời kỳ mới với tư duy đột phá về quản lý và phát triển chăn nuôi hàng hóa, quy mô lớn. Hiện nay, gia đình anh đã có một trang trại chăn nuôi bò sinh sản với quy mô 170 con. Trừ chi phí cho thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm.
Chủ trương làm thí điểm “Dồn thửa đổi ruộng” ở xã Ngũ Kiên và xã Cao Đại huyện Vĩnh Tường đã tạo điều kiện thuận lợi về đất để sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, có sự liên kết và theo chuỗi giá trị.
Điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp Vĩnh Phúc 5 năm qua phải kể đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Toàn tỉnh đã chuyển đổi được gần 12.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ, quả; hỗ trợ gần 98.000 ha các giống lúa cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, chiếm 75% tổng diện tích trồng lúa của tỉnh; gần 16.000 ha rau, quả sản xuất hàng hóa và trên 67.000 ha cây vụ Đông được nhận hỗ trợ. Qua đó, giúp nhiều nông dân trong tỉnh có sự chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hoá, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng từ năm 2017, Vĩnh Phúc đã đưa 55% diện tích giống lúa mới, chất lượng cao vào sản xuất thay thế giống lúa KD18 thuần chủng. Năng suất, hiệu quả sản xuất hầu hết các loại cây trồng đều tăng. Năm 2020, giá trị sản xuất đạt trên 145 triệu đồng/ha, giá trị thu nhập đạt trên 65 triệu đồng/ha đất canh tác, tăng 7,5% so với năm 2015.
Để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng ổn định và bền vững, Vĩnh Phúc tiếp tục quan tâm đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó tập trung nguồn lực tiếp tục đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp; đẩy mạnh dồn thửa, đổi ruộng và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học; nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những kết quả đạt được trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống nông dân của Vĩnh Phúc là minh chứng sinh động về sự kế thừa và phát triển tư duy đổi mới của Cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại với giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững./.
Đặng Thưởng