Sáng 26/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Các dự án đường sắt. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với 9 tỉnh, thành phố có các dự án đường sắt đi qua. Dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và huyện, thành phố có tuyến đường sắt đi qua.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn và các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về dự án tuyến đường sắt đoạn qua Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Vũ Việt Văn cho biết, Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc có chiều dài khoảng 40km. Tuyến đường sắt ban đầu được phê duyệt có hướng tuyến đi qua phía Bắc địa bàn Vĩnh Phúc, nhưng do có độ cong lớn trên toàn tuyến, khó có thể đạt tốc độ tối đa tàu chạy theo thiết kế, nên đơn vị tư vấn đã đề xuất điều chỉnh phương án tuyến đường sắt mới từ phía Bắc (chạy dọc theo đường cao tốc Nội Bài, - Lào Cai) về phía Nam kết nối với đoạn tránh Quốc lộ 2 thành phố Vĩnh Yên và kết nối với trung tâm Logicstics ICD Vĩnh Phúc. Để đảm bảo thuận lợi trong công tác triển khai, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Vũ Việt Văn đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành có phương án kỹ thuật phù hợp khi đi qua khu dân cư, trong đó đoạn qua thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên có thể làm cầu cạn để tránh ảnh hưởng đến khu đô thị; đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt phương án hướng tuyến đi qua tỉnh Vĩnh Phúc để tỉnh có phương án giải phóng mặt bằng sớm nhất.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt tinh thần "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa" trong việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm lĩnh vực đường sắt. Thủ tướng giao các bộ, ngành phối hợp với các địa phương phấn đấu khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025, tuyến đường sắt Bắc - Nam năm 2026. Tập trung huy động các nguồn lực như vốn trái phiếu, hợp tác công tư, TOD… để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Về vấn đề pháp lý, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các cơ chế, chính sách đặc thù. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng nhanh chóng hoàn thành phương án hướng tuyến dự án để các địa phương làm căn cứ, chủ động thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.
Hà Giang