Cập nhật: 05/10/2020 09:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cơn bão số 5 vừa qua gây gió mạnh, kết hợp triều cường, sóng lớn đã làm bờ biển nhiều xã tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc tiếp tục sạt lở nặng.

Những năm gần đây, sạt lở bờ biển thường xuyên xảy ra trong mùa mưa bão. Cơn bão số 5 và hoàn lưu bão gây gió mạnh, kết hợp triều cường, sóng lớn vừa qua đã làm bờ biển nhiều xã tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc tiếp tục sạt lở nặng. Những điểm đã sạt lở lâu nay lại sạt lở thêm với chiều dài hơn 6km ảnh hưởng đến đời sống nhiều hộ dân ven biển.

Sạt lở bờ biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế đang diễn ra nghiêm trọng

Sau bão số 5, sóng biển mạnh làm khoảng 3 km bờ biển ở các thôn An Dương, Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền, đe dọa nhà cửa của người dân.

Ông Nguyễn Văn Nhân, 60 tuổi ở thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cho biết: Trước đây, khu vực này có một cồn cát cao ra cách bờ biển 100 đến 150 mét, nhưng khoảng 15 năm nay, cồn cát này đã bị sạt lở, sóng biển san phẳng, rặng phi lao người dân trồng chắn cát cũng bị cuốn theo, nhiều hộ đã phải di dời đến nơi ở mới. Cứ đến mùa mưa bão, chính quyền xã lại vận động bà con di chuyển đến nơi an toàn để trú ẩn.

“Trong cơn bão số 5 vừa qua, bờ biển mình đây sạt lở rất nhiều, rất nặng nề. Hằng năm, xâm thực và sạt lở rất nhiều. Chính vì vậy, bà con ở xóm Tân Lập, thuộc thôn Tân An, ngay khu sạt lở. Ở vậy thôi chứ đến mùa mưa bão rất là lo, vừa tài sản, vừa tính mạng con người”, ông Nhân nói.

Những ngày qua, tại khu vực đầu múi kè đã thi công ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang liên tục có sóng lớn và triều cường làm nhiều doi cát ở khu vực này thêm sạt lở. Tình trạng sạt lở còn ăn sâu vào chân khu vực rừng dương phía trong.

Những rặng phi lao chắn cát còn sót lại ở bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cho biết, bão số 5 vừa rồi, sạt lở sâu vào 5 đến 7 mét đe doạ an toàn nhiều hộ dân. Trước bão, địa phương di dời khẩn cấp 64 hộ với 290 khẩu đến nơi tránh trú an toàn. Sau bão, ở những nơi chưa được đầu tư kè chống sạt đều xảy ra tình trạng xâm thực.

Ông Đặng Tiến Tùy cho biết, sẽ tiếp tục vận động những hộ dân trong vùng sạt lở di dời đến nơi ở an toàn, đồng thời dùng rọ đá và trồng cây phân tán để giữ đất.

“Hiện nay tình hình sạt lở xảy ra khá nghiêm trọng, đặc biệt kéo dài từ 4 thôn là Tân An, Trung An, Xuân An và một phần của thôn An Dương 1. Tổng chiều dài khoảng tầm 3km. Đoạn sạt lở sâu nhất là đoạn giáp với đê kè chống sạt lở hiện nay. Đoạn đó sâu vào đất liền khoảng 7m còn trung bình trên địa bàn sạt lở khoảng 3m. Chúng tôi tiếp tục kiến nghị với các cơ quan chức năng tỉnh, huyện, trung ương tiếp tục đầu tư chống sạt lở khẩn cấp ở bờ biển Phú Thuận đảm bảo đời sống an sinh xã hội cho bà con nhân dân”, ông Tùy nêu ý kiến.

Tình trạng xói lở bờ biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân ven biển các xã Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải, huyện Phú Vang và Vinh Hiền, huyện Phú Lộc… khiến người dân nằm trong vùng ảnh hưởng mất ăn, mất ngủ trong mùa mưa bão.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, địa phương đang tính toán phương án đầu tư chống sạt lở về lâu dài, nhưng trước mắt tập trung ưu tiên xử lý khẩn cấp các điểm sạt lở nặng.

“Về lâu dài, tỉnh cũng đã đề nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương cũng như các Cơ quan bộ, ngành liên quan để hỗ trợ tiếp tục khắc phục các điểm sạt lở nặng, đặc biệt, ở Hải Dương, khu vực Phú Thuận, Vinh Hải của Phú Lộc thì hiện nay đang xử lý và tiếp tục đề nghị xử lý các đoạn sạt lở trong thời gian tới”, ông Hòa khẳng định./.

Theo Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

 

Tệp đính kèm